“Đắp chiếu” nhiều năm
Được đầu tư xây dựng từ năm 2009 với nguồn vốn ngân sách 1.900 tỷ đồng, Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được kỳ vọng sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 22.000 sinh viên. Thế nhưng từ rất nhiều năm nay, dự án này rơi vào tình trạng bỏ hoang, lãng phí.
Ngay từ năm 2015, nhận thấy những vấn đề bất cập phát sinh từ dự án do thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhu cầu sinh viên thuê ở không cao, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội (NoXH) để bán, cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.
Cuối năm 2019, cơ bản các ý kiến đã thống nhất việc điều chỉnh, nhưng do dịch Covid-19 xảy ra, dự án buộc phải tạm dừng. Đến đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội mới chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách, thế nhưng đến nay dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi TP đang rất thiếu NoXH, chung cư cho người lao động.
Theo kế hoạch dự kiến, đến năm 2025, TP Hà Nội phải xây dựng 18.700 căn NoXH, nhưng tới nay mới đạt được 37% với 3 dự án được khởi công và 5 dự án xây dựng xong.
Mục sở thị tại khu nhà ở, chỉ có 3 tòa nhà A1, A5, A6 đã hoàn thành. Tòa nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng. Tòa nhà A2, A3 đang dừng lại ở phần thô. Riêng tòa nhà A1, từng có một số người thuê lại mặt bằng tầng 1 để kinh doanh, nhưng cuối cùng cũng phải trả lại.
Cách đây 2 năm, nơi đây còn được sử dụng để làm khu vực cách ly bệnh nhân Covid-19. Sau khi đại dịch qua đi, tòa nhà lại trở về trạng thái không người. Cỏ dại mọc um tùm khắp lối khiến công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Nhìn những khối nhà sừng sững nhuốm màu rêu phong, một người dân ở cạnh dự án nói với PV: “Sống quanh dự án, chúng tôi thấy rằng việc bỏ hoang không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn vô cùng lãng phí. Rất nhiều người dân đang không có nhà ở, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp”.
Theo thống kê, không chỉ có dự án nói trên mà hiện Hà Nội có đến 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang trong nhiều năm. Điển hình như 5 tòa chung cư với hàng trăm căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên), bị bỏ hoang hơn 10 năm nay.
Hay tại khu đô thị Sài Đồng (Long Biên), chung cư N3 gồm 3 tòa nhà, với 160 căn hộ được xây dựng những năm 2000 với tổng kinh phí gần 1.300 tỷ đồng. Và nhiều dự án tái định cư khác cũng trong tình cảnh tương tự. Hầu hết các dự án này đều xuống cấp, gây lãng phí lớn.
“Sửa sai” nhưng vẫn chậm
Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn TP. Trong đó, đối với dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng của TP phối hợp, thực hiện quyết toán theo hạng mục hoàn thành; hoàn thành trong tháng 12-2024. Riêng hạng mục trạm biến áp thực hiện việc thanh quyết toán sau.
Cùng với đó, về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang NoXH cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Khu Nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là một sự thất bại về chính sách. Dù đối tượng sinh viên có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng việc khu nhà ở quá xa trường đại học rõ ràng không tạo thuận lợi cho sinh viên. Đây là minh chứng của một chính sách không đi sát với thực tế, và là biểu tượng của sự lãng phí. Vì vậy, cần loại bỏ sai lầm càng sớm càng tốt, chuyển đổi mục đích để phù hợp với đời sống của người dân, không thể để lãng phí thêm nữa.
Tuy nhiên, đối với việc “sửa sai” cho dự án mà UBND TP Hà Nội vừa ban hành mới đây, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, cần phải tính toán kỹ phương án chuyển đổi và vận hành, đảm bảo nhu cầu của cư dân đô thị, phù hợp với túi tiền của đối tượng người lao động có thu nhập thấp. Quan trọng nếu cho thuê phải cho thuê với giá tốt. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên nói trên được sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và đã giải ngân được hơn 1.100 tỷ đồng. Công trình xây dựng dở dang và để hoang trong nhiều năm qua là sự lãng phí lớn về đất đai, tiền của.
Cùng với việc tháo gỡ các khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ nhà ở cho sinh viên sang NoXH, theo các chuyên gia, UBND TP Hà Nội cần có phương án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, y tế, cửa hàng, siêu thị, kết nối hệ thống xe buýt để đáp ứng các dịch vụ đời sống thiết yếu cho cư dân khi về sinh sống. Bởi nếu không có những cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh đi kèm, dự án sau khi “sửa sai”, có thể vẫn chưa thể “hết sai”.