Sản lượng buýt của thành phố Hà Nội đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng kéo theo doanh thu giảm và ngốn trợ giá ngân sách tăng lên. Vì vậy, thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả.
Muôn vàn khó khăn 'vây' doanh nghiệp xe buýt
Tại buổi Đối thoại với doanh nghiệp xe buýt của Sở Giao thông Vận tải vào chiều 27/2, theo ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc), trong năm 2022 sản lượng xe buýt đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách (tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021).
Dù vậy, so với thời điểm trước dịch COVID-19, ông Phương nhìn nhận sản lượng khách sử dụng xe buýt chỉ bằng khoảng 60%. Sản lượng đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng, dẫn đến chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của năm 2022 chỉ đạt 18,5%, không đạt được so với kế hoạch đề ra là từ 21,5-23%.
Ông Phương cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới sản lượng chưa được như kỳ vọng là do chất lượng dịch vụ hoạt động của xe buýt chưa được đảm bảo vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng do tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm; thời gian chuyến đi của hành khách, hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của khách đối với xe buýt còn chưa đủ hấp hẫn với số đông hành khách…
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đào Việt Long thông tin mạng lưới xe buýt còn một số tồn tại về kết cấu của mạng lưới, hệ thống buýt trung chuyển đang thiếu; mật độ mạng lưới không đồng đều giữa khu vực trung tâm và ngoại thành, khu vực mới; khả năng tiếp cận buýt còn hạn chế; buýt kế cận kết nối liên vùng còn mỏng, thiếu, hiện có 12 tuyến buýt kế cận cần nghiên cứu bổ sung thêm buýt kế cận liên vùng.
Nhiều doanh nghiệp khai thác, vận hành xe buýt cũng nêu ra thực tế đang đối mặt với hàng loạt các khó khăn về thiếu nguồn nhân lực lao động, hạ tầng điểm chờ xe buýt, nguồn lực tài chính, chênh lệch giá khi đấu thầu…
Ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) thừa nhận sau dịch COVID-19, ngoài khó khăn về nguồn lực thì khó khăn về lao động cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu. Đơn vị đang thiếu khoảng 400 lao động lái xe, nhân viên bán vé.
Ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội nêu thực tế khó khăn của các doanh nghiệp buýt hiện nay là khi đấu thầu, giá dự toán liệu chỉ 12.000-17.000 đồng/lít dầu diesel nhưng có thời điểm giá nhiên liệu tăng gấp đôi khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có phương án hỗ trợ phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Phạm Quang Cường, Phó Giám đốc Công ty Bảo Yến chua chát: “Dưới ảnh hưởng của dịch nên tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn. Giá nhiên liệu tăng cao, Bảo Yến mất 10 tỷ đồng do chênh lệch giá nhiên liệu so với khi đấu thầu.”
Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Vinbus nêu vấn đề làm thế nào để sản lượng khách tăng tương xứng với quy mô mở rộng của xe buýt. Trường hợp nếu cứ mở rộng quy mô mà sản lượng khách không tăng, cùng với ngân sách thành phố trợ giá lớn thì sẽ là sự đe dọa với xe buýt, nhất là khi các tuyến đường sắt đô thị đi vào vận hành.
"Không để tình trạng có tuyến trợ giá tới 95-96%"
Khẳng định gần 5 năm mới có cuộc họp đối thoại giữa quản lý Nhà nước với 11 doanh nghiệp buýt trên địa bàn thành phố và nhận được 46 kiến nghị đề xuất, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bày tỏ chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp buýt trong 3 năm vừa qua, năm 2022 lại biến động nhiên liệu khiến doanh nghiệp không còn tiền trong khi sản lượng xe buýt phục hồi nhưng lại chậm.
“Có doanh nghiệp nhắn tin cho tôi đã cắm hết cả sổ đỏ ở ngân hàng để vay vốn, rồi không biết đi đâu về đâu. Không chỉ sản lượng khách công cộng giảm mà còn kéo theo ùn tắc giao thông gia tăng, khiến xe buýt chậm giờ và người dân lại rời xa xe buýt,” ông Thường nói.
Nhấn mạnh cơ quan quản lý Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, theo ông Thường, các đơn vị buýt cần chủ động tăng sản lượng hành khách, doanh thu, giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước phải là mục tiêu tối thượng, yếu tố sống còn đồng thời cải thiện chất lượng phục vụ, nhất là thái độ phục vụ của nhân viên.
“Có thực tế vẫn còn doanh nghiệp ỷ lại, chỉ quan tâm đến lợi ích muốn làm sao được điều chỉnh khối lượng, tăng trợ giá lên còn lại không quan tâm có hành khách hay không? Đây là sự khấp khểnh, bất cập trong phương pháp tiếp cận quản lý. Năm nay yếu tố sản lượng rất quan trọng, doanh nghiệp nào không đưa tiêu chí này lên hàng đầu sẽ rất khó tồn tại trong giai đoạn tới,” Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lưu ý.
Đề ra nhiệm vụ tới đây phải xây dựng được bộ tiêu chí hiệu quả tuyến dựa trên sản lượng, doanh thu, trợ giá, trên cơ sở đó, ông Thường nhấn mạnh, thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá 95-96% bởi đây là lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao Tramoc khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối với đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng ứng dụng xe buýt dùng chung với đầy đủ dữ liệu của toàn bộ mạng lưới buýt. Thông qua ứng dụng, người dân có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi để phân loại bởi hiện tại là đang cào bằng, tốt xấu như nhau, từ đó có căn cứ để thưởng phạt.