Rất đúng lúc, các bộ ngành trung ương cũng như các địa phương liên quan đã bắt đầu triển khai nhiều hạ dự án hạ tầng giao thông để tháo gỡ điểm nghẽn này, tạo bệ phóng cho phát triển trong những năm tới.
Tháo điểm nghẽn, tăng kết nối
Một trong hai dự án hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia sẽ trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào ngày 23-5 tới để xem xét thông qua là đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TPHCM sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến.
Đường vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh. Từ đó, tuyến đường tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Giao thông từ khu vực phía Đông TP Thủ Đức với các khu vực xung quanh ngày càng thuận tiện nhờ hạ tầng được đầu tư ngày càng nhiều (trong ảnh: khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái- trung tâm hành chính TP Thủ Đức kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm qua cầu Thời Đại.
Việc đầu tư dự án Vành đai 3 nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông phía Đông TP nói riêng và của TPHCM nói chung với các tỉnh trong “tứ giác phát triển”: TPHCM- Bình Dương- Đồng Nai- Bà Rịa Vũng tàu. Đối với khu Đông TP còn có một ý nghĩa rất lớn là góp phần giải tỏa tình trạng quá tải giao thông, kết nối nhanh với các đô thị trong vùng.
Một trong những dự án giao thông kỳ vọng sẽ tạo đột phá về kết nối giữa khu Đông TP với các tỉnh Đông Nam bộ, đặc biệt là TP Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cầu Cát Lái.
Theo quy hoạch bổ sung của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017, cầu Cát Lái có điểm đầu tại P.Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 (nay là TP.Thủ Đức), TP.HCM và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1km, thuộc xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch.
Ngoài ra, để giải tỏa áp lực về giao thông cho khu vực này, Thành phố sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng xung quanh cảng như mở rộng các đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công; tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án nút giao Mỹ Thủy, trong đó xây cầu vượt cho xe từ cảng Cát Lái rẽ trái đi cầu Phú Mỹ và xây cầu Kỳ Hà 4 cho xe từ cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái.
Nâng tầm khu vực
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là một trong những dự án được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho cả khu vực, làm thay đổi bộ mặt đô thị những khu vực lân cận. Đây cũng là dự án được Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ quyết liệt nhất.
Đầu tháng 4 vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh mục tiêu: khánh thành dự án vào năm 2025; tiến độ phải chốt, chất lượng đặt lên hàng đầu; luôn luôn chú trọng biện pháp phòng, chống lãng phí, tiêu cực đối với công trình có số vốn khoảng 5 tỷ USD này.
Đối với các công trình giao thông kết nối, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, bảo đảm có tầm nhìn xa, đáp ứng nhu cầu giao thông nội bộ và khả năng kết nối cảng hàng không quốc tế quy mô đến 100 triệu khách/năm với TPHCM và các địa phương, tránh tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.
Với những dự án mang tầm vóc quốc gia, khu vực nhiều chuyên gia đánh giá các khu đô thị trong khu vực, đặc biệt là những khu vực non trẻ còn “dư địa” phát triển như TP Thủ Đức sẽ nâng lên một tầm vóc mới.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ, kết nối giao thông là vấn đề “cốt lõi” để kinh tế vùng “tứ giác phát triển”: TPHCM- Bình Dương- Đồng Nai- Bà Rịa Vũng Tàu phát triển, do đó những dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, hay cầu Cát Lái có ý nghĩa rất lớn trong thời gian tới cho khu vực này. Vấn đề này là vấn đề cốt lõi nhất để phát triển kinh tế vùng, nếu không kết nối về giao thông sẽ không phát triển được.
Từ năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt, 17 đại đô thị trong khu vực này, nhưng thời gian qua chưa phát triển như mong đợi, do không kết nối được. Thí dụ một cái cầu nối TPHCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) nếu xây dựng sớm ngày nào thì đô thị nói riêng và kinh tế- xã hội của hai địa phương đó (TPHCM và Đồng Nai), đặc biệt là nơi có cầu đi qua sẽ là nơi hưởng lợi nhiều nhất.