Cùng với mặt bằng, việc Tư vấn IC dừng hỗ trợ dự án từ năm 2018 đang là hai "cửa ải" cản ngày khởi công dự án (dự kiến năm 2022).
"Kẹt" ở quận 3
Được phê duyệt cách đây 11 năm (2010), metro số 2 nhằm giải bài toán kẹt xe ở cửa ngõ tây bắc đi qua địa bàn của 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Tổng diện tích thu hồi toàn tuyến 251.136m2, với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
TP từng đề nghị các quận, đơn vị liên quan phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng vào giữa năm 2020. Đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 601/603 trường hợp (đạt 99,67%), trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Tỉ lệ giao mặt bằng khoảng 79% (474/603 trường hợp).
Trong số các điểm "kẹt" hiện tại có chuyện của quận 3. Tréo ngoe, quận này là nơi đã thực hiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng sớm nhất. Vậy chuyện "kẹt" này đến từ đâu?
Ông Trần Thanh Bình, phó chủ tịch UBND Q.3, cho biết metro 2 đi qua địa bàn quận theo đường Cách Mạng Tháng Tám, vị trí đất thu hồi chủ yếu nằm giữa ranh giới Q.3 và Q.10. Trên địa bàn quận có 113 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 96 hộ gia đình, cá nhân và 17 tổ chức.
Từ năm 2017, TP.HCM đã phê duyệt chính sách bồi thường cho toàn bộ metro 2 đi qua 6 quận theo quyết định 23 năm 2015 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cũng thời điểm đó, UBND Q.3 đã tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân sớm nhất, trong khi những quận khác chưa thực hiện.
Đến năm 2020, UBND TP.HCM duyệt chính sách bồi thường lần thứ 2 cho dự án metro 2 áp dụng cho 5 quận (trừ quận 3), với giá bồi thường cao hơn và nhiều quy định có lợi hơn cho người dân. Những điểm khác biệt này khiến cho giá bồi thường ở Q.10 cao hơn giá bồi thường quận 3 là 30%, trong khi hai địa bàn này giáp ranh.
Theo ông Bình, trong cùng một dự án mà mức bồi thường cho người dân của hai địa bàn sát nhau lại chênh lệch như vậy là không công bằng. Trong cùng một dự án nhưng áp dụng hai chính sách bồi thường khác nhau, hai mức giá khác nhau là không bảo đảm tính thống nhất pháp lý trong cùng một dự án. Vì thế, UBND Q.3 kiến nghị TP duyệt lại giá đất bồi thường trên địa bàn quận 3 để bảo đảm công bằng cho người dân bị thu hồi đất ở quận 3 và các quận khác.
Trong 113 trường hợp bị ảnh hưởng của dự án tuyến metro 2 ở Q.3, hiện mới chỉ có 88 trường hợp ký biên bản thỏa thuận và nhận tiền bồi thường theo phương án đã được duyệt năm 2017. Còn 23 trường hợp chưa đồng ý với phương án bồi thường năm 2017 và 2 trường hợp chưa ban hành quyết định thu hồi đất.
Theo phê duyệt trước đây, giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án metro số 2 khoảng 3.400 tỉ đồng. Khi TP thẩm định giá lần cuối để ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường thì tổng giá trị gói bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 500 tỉ đồng.
Nhằm tránh tăng tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt, TP có kiến nghị tháo gỡ. Đến tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất TP được tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá đền bù tại thời điểm thực hiện.
Đồng thời, điều chỉnh khoản mục chi phí dự phòng sử dụng từ nguồn vốn đối ứng ngân sách TP trong dự án metro số 2 để thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm không tăng tổng mức đầu tư.
Một lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, mốc tiến độ hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án vào tháng 6-2021. TP cũng đang họp để tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các quận về tình hình bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) trên đường Cách Mạng Tháng Tám phía quận 10, TP.HCM (bên trái) cơ bản giải tỏa xong, nhưng phần thuộc quận 3 chưa thống nhất về mức giá đền bù - Ảnh: QUANG ĐỊNH
6 gói thầu xây lắp chờ tư vấn
Không chỉ riêng mặt bằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay của metro số 2 là làm sao việc huy động trở lại hoặc sớm tuyển chọn tư vấn thay thế. Dự án bao gồm 7 gói thầu xây lắp chính từ CP1 đến CP7, trong đó gói CP1 (xây dựng tòa nhà và công trình phụ trợ ở depot Tham Lương) đã hoàn thành, 6 gói thầu còn lại đang trong quá trình làm hồ sơ mời thầu.
Một chuyên gia giao thông cho rằng không có tư vấn hỗ trợ, việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, trao thầu... cho các gói thầu chính có khả năng giậm chân tại chỗ.
Vì sao liên danh tư vấn tạm dừng giữa chừng? Vào năm 2012, Ban quản lý đường sắt đô thị TP đã ký hợp đồng với Tư vấn IC (đứng đầu liên danh là công ty của Đức). Theo hợp đồng, thời gian thực hiện tư vấn chỉ trong 18 tháng, nhưng đến nay đã quá thời gian.
Năm 2018, Tư vấn IC tạm dừng huy động nhân sự vào hỗ trợ dự án. Hiện gói thầu đã phát sinh 12 phụ lục hợp đồng, trong đó 6 phụ lục phát sinh khối lượng công việc ngoài hợp đồng với giá trị hơn 8,9 triệu euro.
Để thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu chính còn lại của dự án, Ban quản lý đường sắt đô thị TP đã thương thảo, đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 với Tư vấn IC. Trải qua một thời gian đàm phán từ 2020 đến đầu 2021, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thống nhất.
Phía tư vấn yêu cầu phải thanh toán các dịch vụ tư vấn IC đã thực hiện thuộc hợp đồng gốc và phụ lục hợp đồng trước đó, trước khi quay lại thương thảo phụ lục hợp đồng số 13. Còn qua rà soát, TP cho rằng điều kiện hợp đồng trọn gói và các phụ lục đã ký trước đó cũng như quy định của Việt Nam về quản lý hợp đồng, các nhiệm vụ này chưa hoàn thành, do đó không thể thực hiện thanh toán.
Khi chủ đầu tư cùng các sở ngành TP đang lấy ý kiến chấm dứt đàm phán, tìm phương án thay thế thì bất ngờ mới đây phía Tư vấn IC đã có văn bản gửi TP cho biết sẽ trở lại đàm phán phụ lục hợp đồng 13 mà không yêu cầu phải thanh toán trước các khoản như đề nghị trước đây.
"Đến nay dự án đã bị chậm đáng kể và dự kiến sẽ tiếp tục chậm lâu hơn nữa đến vài năm nếu phụ lục hợp đồng số 13 không sớm được ký kết", văn bản Tư vấn IC nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đã có văn bản kiến nghị TP về chấm dứt đàm phán và lên phương án thay thế Tư vấn IC. Việc này được các nhà tài trợ có ý kiến không phản đối. Chủ đầu tư dự kiến sẽ thực hiện đấu thầu tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công (CS2B), trong đó bổ sung các phần việc còn lại của giai đoạn mà Tư vấn IC đang làm dang dở.
Theo kế hoạch năm 2021 của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP, dự kiến quý 4-2021 sẽ khởi công trước hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật dự án metro số 2. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ mời thầu các gói thầu chính còn lại của dự án.
Sẽ giao mặt bằng sau 90 ngày nếu được giải quyết
Được biết vào tháng 9-2020, UBND TP cũng đã có kết luận giao UBND quận 3, Sở Tài nguyên và môi trường, Hội đồng thẩm định giá đất TP khẩn trương báo cáo, đề xuất trình UBND TP phê duyệt lại hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ cho dự án phù hợp với thời điểm thu hồi đất.
Trả lời câu hỏi về thời điểm có thể bàn giao mặt bằng thi công dự án metro 2, ông Bình cho biết Q.3 đã đề xuất với Sở Tài nguyên và môi trường trình UBND TP phê duyệt hệ số điều chỉnh đơn giá đất để tính bồi thường. "Sau khi TP phê duyệt giá bồi thường mới cho dự án trên địa bàn quận 3 khoảng 90 ngày, quận 3 sẽ hoàn thành việc bồi thường, bàn giao mặt bằng cho dự án", ông Bình cho biết.
Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):
Phải quyết tâm có mặt bằng sạch mới thi công
Nhìn từ dự án metro số 1, chúng ta chậm giao mặt bằng đã dẫn đến việc nhà thầu khiếu nại. Khi làm việc với nhà thầu nước ngoài, chậm mặt bằng họ sẽ yêu cầu bồi thường. Rút kinh nghiệm tuyến số 1, đối với tuyến số 2, theo tôi cần hoàn thành toàn bộ mặt bằng mới tiến hành khởi công dự án.
Về lâu dài, TP cũng cần phải sớm triển khai các cơ chế để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Chúng ta làm càng chậm, giá đất càng tăng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đội lên. Nếu không có cơ chế triển khai nhanh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án metro tiếp theo rất khó khăn.