Hạn chế tiền mặt, đặt trong thế khó

(ĐTTCO) - Liên tục các vụ việc mất tiền từ tài khoản thẻ NH xảy ra thời gian gần đây đang khiến việc triển khai thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gặp nhiều khó khăn.
Điều này đòi hỏi các NH phải có giải pháp nâng cao tính bảo mật để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, thay vì yêu cầu người dùng thẻ phải tự bảo vệ mình như hiện nay.
Ép thanh toán không tiền mặt
Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đề xuất hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), bắt buộc phải thanh toán thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (NH), hoặc dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật, nhằm quản lý và thu thuế với hoạt động TMĐT.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất NHNN thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán TMĐT; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với NHNN hướng dẫn các NHTM khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp. 
 Muốn kích thích người dân dùng thẻ thanh toán thay tiền mặt, các NH phải giảm các loại phí như phí phát hành, quản lý tài khoản thẻ, cấp mã số PIN, rút tiền mặt, chuyển khoản, tra soát, khiếu nại. Đồng thời cần phải gia tăng tính bảo mật để tránh tình trạng hacker tấn công khi giao dịch hay rút tiền tại máy ATM bị theo dõi, nâng cao công nghệ thẻ như dùng thẻ chip, phần mềm quản lý thẻ hiện đại, máy ATM, POS an toàn cao…
TS. BÙI QUANG TÍN, 
Trường Đại học NH TPHCM
Năm ngoái, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất quy định các hóa đơn từ 10 triệu đồng, muốn được tính vào chi phí để khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào khi tính thuế thu nhập, doanh nghiệp phải trả qua NH. Những đề xuất này không chỉ nhằm minh bạch hóa các giao dịch mua bán của doanh nghiệp, mà còn thực hiện Quyết định 2545 ngày 30-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ trong Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Cũng nhằm tăng cường quản lý thuế và đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong thanh toán, năm ngoái Cục Thuế TPHCM đã đề xuất quy định hóa đơn nhà hàng từ 5 triệu đồng trở lên, khách hàng phải dùng thẻ để thanh toán. Theo kế hoạch mới của UBND Hà Nội, giai đoạn 2018-2020, phấn đấu 85% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức TTKDTM.
Mục tiêu của Hà Nội đến cuối năm 2020, có 100% siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ, hoặc các hệ thống thanh toán cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng; 85% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức TTKDTM; 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng.

Nhưng tiền trong tài khoản rủi ro
Tối 25-4 vừa qua, nhiều chủ tài khoản thẻ Agribank đã hoang mang khi không thực hiện bất kỳ giao dịch mà vẫn liên tục nhận được tin nhắn bị rút tiền và trừ tiền trong tài khoản hàng chục triệu đồng. Thông tin ban đầu cho biết, có khoảng 400 tài khoản bị rút tiền trong đợt này, nhưng mới đây Agribank kết luận chỉ có 12 khách hàng bị ảnh hưởng.
Đến nay NH công bố bồi hoàn đủ cho 12 khách hàng có thẻ giao dịch tại ATM thuộc phạm vi quản lý của Agribank. Đối với các chủ thẻ bị lợi dụng rút tiền bằng thẻ giả tại ATM của TCTD khác, Agribank sẽ phối hợp thu thập chứng từ và phản hồi đến khách hàng ngay sau khi nhận được kết quả. Nếu kết quả xác minh nguyên nhân bị mất tiền không do lỗi của khách hàng, Agribank mới bồi hoàn đầy đủ số tiền bị tổn thất.
Thực tế, những vụ việc mất tiền trong tài khoản NH xảy ra rất thường xuyên trong thời gian qua. Tháng 2-2018, Vietcombank đã phải giải quyết 2 trường hợp khách đến báo về việc đột ngột bị rút hết tiền trong tài khoản.
Trước đó, nhiều chủ thẻ Vietcombank cũng bị rút tiền trong đêm trong khi vẫn giữ thẻ bên mình, với số tiền mất từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với nhiều khách hàng của các NHTMCP. Trong đó đa số trường hợp mất tiền, chủ thẻ gặp nhiều khó khăn khi liên hệ để báo cho NH và NH giải quyết rất chậm. 
Hay như mới đây, nhiều NH lớn như BIDV, Vietcombank đồng loạt cảnh báo khách hàng về việc xuất hiện các website giả mạo giao diện NH nhằm lừa đảo đăng nhập để lấy cắp thông tin người dùng. Chẳng hạn hiện nay trên mạng xuất hiện một website có đường link: http://homebank247.com, giao diện có hình thức rất giống với giao diện đăng nhập internet banking của Vietcombank.
Khi đăng nhập, khách hàng không để ý rồi khai báo tên truy cập và mật khẩu, dù truy cập không thành, nhưng lúc đó bọn tội phạm đã đánh cắp thông tin, sau đó sẽ chiếm đoạt tiền trên tài khoản của khách hàng. Mới đây, BIDV cũng cảnh báo xuất hiện website giả mạo website của BIDV tại địa chỉ: http://homebank247.com/Bidv.
Hạn chế tiền mặt, đặt trong thế khó ảnh 1 Quá rủi ro tiền trong tài khoản bị “bốc hơi”, thì chủ trương TTKDTM càng có thực hiện. 
Người dùng thẻ phải tự bảo vệ?
Hiện nay, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các NHTM phổ biến 0,1-0,6%/năm, một số NHTMCP nhỏ áp dụng lãi suất 1%/năm. Với mức lãi suất này, với 10 triệu đồng để trong tài khoản tiền gửi 1 tháng, chủ thẻ được trả lãi cao nhất 8.300 đồng/tháng, thấp nhất 833 đồng/tháng. Trong khi đó, để sở hữu và thực hiện các giao dịch qua thẻ, chủ thẻ phải gánh hàng chục loại phí, trong đó phí dịch vụ tin nhắn báo biến động số dư hàng tháng 8.800-11.000 đồng (tại Vietcombank). 
Thế nhưng, khi xảy ra sự cố bị rút tiền, chủ thẻ luôn đối mặt trước nghi vấn không bảo vệ tốt thẻ của chính mình. Đồng thời, các NH luôn lặp lại điệp khúc “khách hàng phải chú trọng bảo mật thông tin thẻ” khi sử dụng thẻ tại các thiết bị giao dịch công cộng, các máy ATM, POS. Khách hàng cần đăng ký dịch vụ báo biến động số dư, và trong bất kỳ trường hợp nào thấy có dấu hiệu tài khoản bị lợi dụng thông qua thông báo biến động số dư, cần thông báo kịp thời cho NH để kịp thời xử lý.
Về phía Vietcombank, chỉ biết khuyến cáo khách hàng bằng cách khẳng định chỉ có duy nhất một website chính thức tại địa chỉ http://www.vietcombank.com.vn, nên khách hàng chỉ giao dịch và sử dụng các dịch vụ tại trang web chính thức, tuân thủ các quy định về giao dịch an toàn cũng như chia sẻ thông tin để tránh nhiều người bị lừa đảo bởi hành vi giả mạo này. Còn với BIDV, chỉ biết khuyến cáo khách hàng không đăng nhập vào hệ thống NH điện tử từ các liên kết giả mạo như trên, hoặc từ các liên kết được gửi từ email, thông tin quảng cáo không tin tưởng, không rõ nguồn gốc.
Theo một chuyên gia tài chính, mất tiền từ thẻ do rất nhiều nguyên nhân, như tội phạm thẻ lắp thiết bị lấy cắp thông tin thẻ tại trụ ATM, lắp camera quay lén mật mã thẻ, sau đó chế tạo thẻ giả để rút trộm tiền, hay chủ thẻ vô tình để lộ mật mã thẻ. Kể cả trường hợp NH quản lý công nghệ thông tin kém, bảo mật trong thanh toán thẻ có lỗ hổng tạo điều kiện cho kẻ gian có thể xâm nhập và lấy trộm thông tin. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự lưu tâm từ nhiều phía, nhưng gốc vẫn là từ NH. 
Rõ ràng khi công nghệ bảo mật chưa triển khai đại trà và tiền trong thẻ liên tục “bốc hơi”, việc ép người dân TTKDTM trong tiêu dùng là chưa hợp lý. Vấn đề này càng phải được sớm cải thiện để người dân yên tâm dùng thẻ thay tiền mặt, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10% vào năm 2020.

Các tin khác