Hàn Quốc tố tàu Trung Quốc đánh bắt cạn kiệt nguồn cá

(ĐTTCO) - Theo các nhà chức trách và ngư dân Hàn Quốc, hàng trăm tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp dọc theo biên giới biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Trong một diễn biến gây tranh cãi giữa Seoul và Bắc Kinh, lượng lớn tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh Đường giới hạn phía Bắc (ranh giới trên biển tranh chấp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên) ở Hoàng Hải.

Theo ước tính của Hàn Quốc, trung bình có khoảng 180 tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cua ở phía Bắc đảo Yeonpyeong, một trong năm hòn đảo cực Bắc Hàn Quốc, mỗi ngày trong tháng qua, sau thời gian gián đoạn vì COVID-19.

Ông Shin Joong-geun, lãnh đạo hiệp hội ngư dân trên đảo Yeonpyeong cho biết: “Vấn đề là con số nhiều gấp ba lần so với năm ngoái. Từ hòn đảo này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các đội tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động gần Đường giới hạn phía Bắc”.

Hàn Quốc tố tàu Trung Quốc đánh bắt cạn kiệt nguồn cá - 1
Một số tàu nghi là tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép, nhìn từ đảo Yeonpyeong. (Ảnh: Yeonpyeong).jpg

Bộ trưởng bộ thủy sản và đại dương Hàn Quốc Moon Seong-hyeok hôm 21/5 cho biết, đánh bắt cá bất hợp pháp phải được “xóa bỏ hoàn toàn”. Ông cảnh báo rằng từ năm tới, nước này sẽ sử dụng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo để tăng cường hệ thống giám sát hàng hải của mình.

Một quan chức bộ thủy sản Hàn Quốc cho biết vấn đề này sẽ được đề cập vào tháng tới khi hai nước tổ chức cuộc họp thường niên thảo luận về các biện pháp kiềm chế đánh bắt bất hợp pháp.

“Các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng họ đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn việc đánh bắt trái phép của các tàu Trung Quốc trên vùng biển chúng tôi. Trên thực tế, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi đối phó với các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động gần Đường giới hạn phía Bắc. Vì vậy chúng tôi luôn kêu gọi chính quyền Trung Quốc nỗ lực gấp đôi để ngăn chặn vấn đề đau đầu này”, ông nói.

Đoạn phim thời sự của đài KBS-TV cho thấy lực lượng tuần duyên Hàn Quốc lên tàu cá Trung Quốc trong một cuộc đột kích vào ban đêm, dùng búa đập vỡ cửa sổ cabin nơi thủy thủ đoàn trốn. Trong một đoạn video khác, tuần duyên Hàn Quốc cắt các song sắt được lắp trước cửa cabin.

Trung sĩ Song Joo-hyun thuộc lực lượng đặc nhiệm của tuần duyên Hàn Quốc, khởi động vào năm 2017 để ngăn chặn tàu đánh bắt trái phép của Trung Quốc cho biết: “Các tàu thuyền của Trung Quốc thường lợi dụng trời tối để đi xuống phía Nam của Đường giới hạn phía Bắc và đánh bắt cá trái phép".

Lực lượng tuần duyên đặc nhiệm đã bắt giữ 7 tàu đánh cá Trung Quốc và buộc 360 tàu khác ra khỏi khu vực đánh cá gần Đường giới hạn phía Bắc chỉ trong năm nay.

Đó là một công việc rủi ro cao. Năm 2011, một thành viên của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã bị đâm chết khi bắt giữ một ngư dân trên tàu Trung Quốc.

“Trước đây, họ sử dụng dao, rìu và các vũ khí khác để xua đuổi chúng tôi nhưng ngày nay, họ sử dụng một cách khác. Họ tự nhốt mình trong cabin và buồng máy và chạy về phía Bắc”, Trung sĩ Song nói.

Người Hàn Quốc bị cấm trong vòng 3,7 km tính từ Đường giới hạn phía Bắc, điều đó có nghĩa là các đội tuần duyên có thời gian chỉ vài phút để khống chế một tàu Trung Quốc bất hợp pháp, nếu không họ có nguy cơ bị đưa vào vùng biển Triều Tiên.

Hwang Yeon-soo, một quan chức tại văn phòng hành chính quận Ongjin, cho biết hoạt động vào ban đêm cũng giúp cho các tàu Trung Quốc vì ngư dân Hàn Quốc bị cấm đánh bắt gần Đường giới hạn phía Bắc sau khi đêm xuống.

Ông nói thêm: “Họ phá hủy lưới đánh cá của Hàn Quốc và thả trôi trên biển, gây thiệt hại lớn cho ngư dân địa phương về ngư cụ và sản lượng đánh bắt".

Park Tae-won, một ngư dân, nói với đài truyền hình KBS rằng các ngư dân Trung Quốc đang “vét sạch mọi thứ, từ cá sống gần bề mặt đến cá có vỏ dưới đáy biển”.

Ông nói: “Họ không quan tâm đến thiệt hại đối với sinh vật biển".

Các hình ảnh khác được ghi lại cho thấy một bãi biển gần biên giới ngập rác bao gồm các mảnh xốp và chai nhựa rỗng có nhãn Trung Quốc, mà dân làng Triều Tiên cho rằng đã bị tàu đánh cá Trung Quốc đem vào đổ.

Một năm sau khi ra mắt lực lượng tuần duyên đặc nhiệm - gồm 400 người và 12 tàu trong đó có 3 tàu bọc thép cao tốc - đánh bắt bất hợp pháp ở Hoàng Hải đã giảm 60%. Tuy nhiên, các nhà quan sát ở Hàn Quốc cho rằng vấn đề gần đây lại đang trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào, nhưng trong một báo cáo, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết họ nghi ngờ Triều Tiên bán hàng trăm giấy phép đánh bắt mỗi năm cho các đội tàu từ Trung Quốc để đánh bắt trong vùng biển này - vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Triều Tiên và Hàn Quốc năm 2018 đã đồng ý biến các vùng biển gần Đường giới hạn phía Bắc thành khu vực đánh cá chung để giải quyết vấn đề, nhưng chưa có tiến triển thêm do căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Các tin khác