Giờ đây, cách tiếp cận thị trường thế giới của Trung Quốc cũng đang dần thay đổi, nhằm phù hợp với tình hình mới khi thu mình “trở về” thị trường châu Á. Các nước láng giềng vừa là thị trường, vừa là các điểm trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Tổng kho GIGA được kích hoạt: giá rẻ, giao hàng nhanh
Hàng hóa Trung Quốc được rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Taobao, Shopee, Lazada đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều công ty chuyên nhận đặt hàng và chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam thừa nhận, ngoài việc giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước hoặc những nơi khác, một ưu điểm nổi trội của việc mua hàng Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử là thời gian từ đặt đến giao nhận hàng rất nhanh.
Chủ một shop chuyên bán đồ Trung Quốc ở Hà Nội cho biết, khi đặt đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, chủ hàng sẽ gửi đơn hàng về kho tập kết, phân loại tại Trung Quốc với thời gian rất nhanh, chỉ trong 24 giờ. Từ kho, hàng lên xe di chuyển về Quảng Ninh rồi Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước. Từ khi khách đặt đơn đến nhận hàng từ Trung Quốc - Hà Nội mất khoảng 3 ngày. Trong khi đó, chuyển hàng từ TPHCM - Hà Nội, dùng dịch vụ thông thường phải mất khoảng 4-7 ngày.
Từ khi khách đặt đơn đến nhận hàng từ Trung Quốc - Hà Nội mất khoảng 3 ngày. Trong khi đó, chuyển hàng từ TPHCM - Hà Nội, dùng dịch vụ thông thường phải mất khoảng 4-7 ngày.
Sở dĩ hàng hóa Trung Quốc chiếm ưu thế giá rẻ, thời gian quá trình giao nhận được rút ngắn như trên, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước này.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra (2018), đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã có sự thay đổi về chính sách đối với cách tiếp cận thị trường, cũng như đẩy mạnh hình thức thương mại điện tử.
Theo đó, kể từ khi việc xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang nhiều khu vực khác trên thế giới như Âu, Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng Mỹ - Trung, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Mỗi vận đơn của các doanh nghiệp Trung Quốc xuất đi đều được chính phủ hỗ trợ chi phí. Chi phí này thậm chí còn đủ bù đắp để doanh nghiệp Trung Quốc miễn phí vận chuyển hàng về Việt Nam. Bên cạnh đó, từ lâu các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam. Do đó khi có đơn hàng từ Việt Nam, họ có thể xuất kho đưa hàng về Việt Nam chỉ trong vòng 8 giờ.
Theo tìm hiểu của ĐTTC, hiện tại, ở 3 thành phố biên giới của Trung Quốc là Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Bằng Tường (giáp Lạng Sơn), Đông Hưng (giáp Quảng Ninh), hàng loạt các kho hàng khổng lồ - chủ yếu là đồ tiêu dùng (còn gọi là kho GIGA), đã và đang được xây dựng. Các nhà máy sản xuất của Trung Quốc sẽ đến đây thuê kho hàng, thuê nhân viên người Việt hàng ngày livestreams và sẽ giao hàng về Việt Nam ngay lập tức khi có đơn hàng.
Không chỉ xây dựng các kho hàng kiểu này sát biên giới Việt Nam, mà Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng hay các khu vực biên giới khác họ cũng đã xây các hệ thống kho hàng tương tự. Tất cả đều nằm trong chiến lược dài hơi của Chính phủ nước này nhằm “bao phủ” và “lấp đầy” thị trường cận biên nói riêng và thị trường châu Á nói chung.
Tập trung vào chất lượng và AI
Theo đánh giá của một chủ shop ở Đống Đa (Hà Nội) chuyên nhập hàng Trung Quốc về bán ở trong nước, so với hàng hóa trong nước, chất lượng hàng Trung Quốc không thua kém gì, thậm chí còn rẻ hơn nhờ tiết giảm chi phí vận chuyển.
Trên thực tế, trong những năm gần đây Trung Quốc đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về quan điểm sản xuất hàng hóa. “Công xưởng” lớn nhất thế giới giờ đây không còn là chuyện “bắt chước, gia công” mà chuyển đổi dần sang “chất lượng”. Điều này cũng nằm trong mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Trung Quốc. Đơn cử, tại cuộc trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 14 hồi năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã khẳng định: mục tiêu và trọng tâm công tác của chính phủ mới là tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Theo người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc, hiện nay sự phát triển của Trung Quốc không còn là giải quyết vấn đề “có hay không”, mà là giải quyết vấn đề “tốt hay không”, đặc biệt là năng lực sáng tạo công nghệ cao, xây dựng hệ thống sản xuất hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi phát triển xanh, tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc cũng không ngoại lệ, không còn là “nhiều, nhanh, rẻ” mà là “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Nếu như cách đây chỉ khoảng 3 năm, việc mua bán hàng nội địa Trung vẫn còn khó khăn với người tiêu dùng Việt Nam do hàng hóa khó thông quan, thời gian chờ lâu. Do đó, doanh nghiệp Trung Quốc cần đến những nhà bán hàng trung gian (đến từ Việt Nam) gom đơn, tiến hành mua hàng nội địa Trung rồi vận chuyển về Việt Nam và giao đến tay người mua.
Mặc dù mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, nhưng do thời gian chờ lâu nên người tiêu dùng Việt vẫn ưu tiên chọn mua thương hiệu trong nước để nhận được hàng nhanh chóng. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Không chỉ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Trung Quốc còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong khâu bán hàng.
Theo CNBC, sử dụng công nghệ AI để livestream (dùng người ảo để quảng cáo bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội), đang bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc trong thời gian qua. Việc ứng dụng AI để livestream bán hàng, cũng cho phép các doanh nghiệp dùng công cụ ảo với nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau để tiếp cận khách hàng ở nhiều thị trường khác nhau.
Tencent, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, mới đây đã ra mắt dịch vụ AI livestream với video dài 3 phút cùng 100 câu thoại để hỗ trợ bán hàng trực tuyến. Công ty còn ra mắt nền tảng Zen Video, cho phép nhà bán hàng xây dựng video quảng cáo đơn giản với streamer ảo. Thậm chí, để gia tăng tương tác, nhiều hãng công nghệ còn kết hợp AI livestream với các ứng dụng có khả năng tương tự chatbot GPT của OpenAI, nhằm tự động trả lời khách hàng trong các buổi livestream.
Theo một chuyên gia về thương mại điện tử của Việt Nam, việc các doanh nghiệp Trung Quốc đưa AI vào bán hàng cũng đồng nghĩa có thể khiến các nhà bán hàng trung gian người Việt đứng trước nguy cơ mất việc, còn doanh nghiệp Trung Quốc tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và tăng lợi nhuận.
“Rất có thể trong thời gian tới, hàng hóa Trung Quốc sẽ đến tay người tiêu dùng Việt Nam qua các kênh AI livestream bán hàng, ở đó, “người ảo” sẽ tiếp thị, quảng bá hàng hóa bằng tiếng Việt mà không cần người Việt. Điều này cũng có nghĩa hàng ngàn lao động tự do ở Việt Nam đang livestream bán hàng Trung Quốc hiện nay có nguy cơ sẽ thất nghiệp”- vị chuyên gia này cảnh báo.
Doanh nghiệp Việt phải tự nâng cấp
Việc xây dựng các kho hàng này gây bất lợi cho hàng hóa Việt trong việc cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Xét trên nhiều bình diện, hàng hóa Trung Quốc chiếm thế “thượng phong” so với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong nước, khi hội tụ đủ các yếu tố: đa dạng mẫu mã, loại hình, giá cả rẻ hơn, quá trình bán hàng nhanh hơn và chất lượng cũng không hề thua kém, thậm chí nhỉnh hơn.
Điều này cũng đặt ra những thách thức lớn cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới khi buộc phải cạnh tranh khốc liệt ngay trên chính “sân nhà”, nhất là khi tiềm lực của doanh nghiệp trong nước khó có thể bằng các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hệ thống kho hàng này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng là lợi thế lớn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tỷ dân. Không những vậy, việc các kho hàng đó dù muốn dù không cũng giúp ích khá nhiều cho người tiêu dùng Việt Nam. Bởi lâu nay thị trường Việt Nam luôn sử dụng hàng hóa Trung Quốc, có những kho hàng này sẽ giúp cho người Việt Nam mua được hàng hóa Trung Quốc với chất lượng tốt hơn và với giá thành rẻ hơn.
Bên cạnh đó, cuộc “tấn công” của hàng hóa Trung Quốc vào chính “sân chơi nội địa Việt”, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi và hoàn thiện mình để có thể đương đầu với “cuộc chơi” mới như cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tập trung đổi mới sáng tạo, lựa chọn phân khúc riêng…
Cuộc chơi mới của những doanh nghiệp Trung Quốc cũng mang hàm ý kích thích hệ thống logistics trong nội địa Việt Nam phải có sự thay đổi. Phải nhìn nhận thực tế rằng, hệ thống logistics Việt Nam hãy còn khá nhiều bất cập. Đó là sự phiền hà trong các khâu hải quan cửa khẩu cũng như trên lưu thông của lực lượng bảo đảm an toàn giao thông.
Cùng với đó, có quá nhiều trạm thu phí, phát sinh quá nhiều chi phí không tên, không chính thức… Tất cả điều đó chính là một lực cản cực kỳ lớn, làm tăng cao giá thành sản phẩm, khiến các sản phẩm Việt Nam sản xuất khó cạnh tranh trên trường quốc tế, thậm chí chính ở thị trường trong nước. Bởi vậy, chỉ khi các vấn đề này được giải quyết sớm mới mong hàng Việt đứng vẫn trên “sân Việt” và phát triển kinh tế bền vững.
Kể từ khi việc xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang nhiều khu vực khác trên thế giới như Âu, Mỹ gặp khó khăn do căng thẳng Mỹ - Trung, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.