Nhận định trên được Bộ Xây dựng khẳng định với VnExpress ngày 21/5. Theo đó, giá đất tại Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất... (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Từ Sơn (Bắc Ninh), Gia Viễn (Ninh Bình) đã hạ nhiệt. Tương tự, tại miền Nam, Bộ Xây dựng đánh giá tình hình sốt đất ảo tại TP Thủ Đức (TP HCM), thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi (Bình Thuận), Hớn Quảng (Bình Phước), Gio Linh (Quảng Trị)... cũng được kiểm soát sau khi các cơ quan nhà nước siết lại quản lý, thông báo công khai các thông tin thị trường và đưa ra các cảnh báo.
Trước đó, lợi dụng các thông tin quy hoạch, ban hành bảng giá đất mới, sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính, hay triển khai các dự án lớn, một số nhà đầu tư, môi giới tung tin đồn thổi, mua đi bán lại đất... đã gây nhiễu loạn thông tin, đẩy giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương.
Tại Hà Nội, một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận trong quý I đều bị đẩy lên tương đương 30-50 triệu đồng một m2, bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30%.
Tại TP HCM, giá nhà đất ở khu vực TP Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước khi thành lập thành phố đến nay. Đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng... vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng một m2, thậm chí gần 200 triệu đồng một m2. Tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng một m2 đã tăng lên tới 70-90 triệu đồng một m2 thậm chí lên 100 triệu đồng một m2.
Tuy biến động mạnh về giá, giao dịch thực tế hầu như rất ít, hình thức mua bán tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng cọc khi giá tăng, bơm thổi thông tin để hút nhà đầu tư khác tham gia mua.
Trong báo cáo mới đây, Savills Việt Nam cũng cho biết sốt đất đã hạ nhiệt và dự báo thời gian tới có thể xảy ra tình trạng điều chỉnh từ giá ảo về giá trị thật. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, tại một số khu vực trước đó chưa được đánh giá cao, giá bất động sản đã tăng nhanh nhưng vẫn ở ngưỡng hợp lý. Tuy nhiên hiện tượng giá tăng vượt quá giá trị thực tế cũng xảy ra khá phổ biến tại nhiều nơi, khiến hình thành mặt bằng giá ảo.
Theo bà Hằng, việc xuất hiện giá ảo dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư, đồng thời gây ra những hệ lụy cho các tổ chức và các hoạt động kinh tế lớn hơn. Khi xuất hiện tình trạng tài sản vượt quá giá trị thực, nhà đầu tư cần cảnh giác không đi trên con sóng cao vì có nguy cơ nhận lại nhiều rủi ro. Đó là chưa kể dòng tiền hiện nay vào bất động sản cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn và một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản.
Từ cuối tháng 4 đến nay, các cơn sốt đã lắng xuống song giá trị của bất động sản đã vọt lên cao, đặc biệt là đất một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo. Sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà còn phải chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý. Thanh khoản của một số khu vực yếu dần, dẫn đến áp lực của việc sử dụng vốn cũng không hiệu quả. Vì vậy, các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động trong những tháng còn lại của năm 2021.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh, hiện tượng tăng giá đất, về bản chất, sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới ở các địa phương và nhiều tỉnh thành. Mặt bằng giá mới sẽ cần thời gian thử thách để ổn định hoặc có thể điều chỉnh. Tuy nhiên, tại những thị trường mà đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao, việc điều chỉnh về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Để ngăn chặn sốt đất ảo tái bùng phát thời gian tới, Bộ Xây dựng khuyến cáo các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tiến độ các dự án. Đặc biệt các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư và chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng.
Các tổ chức tín dụng cần tăng cường kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng, cơ quan chuyên trách tiếp tục rà soát trái phiếu doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh bất động sản, kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án ma, không đủ điều kiện kinh doanh...