Phiên tòa được mở do có kháng cáo của Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác. Các ngân hàng là bị hại trong vụ án gồm Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) cũng kháng cáo án sơ thẩm. Trong đó, VAB còn kháng cáo với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Thị Hà Thành do kinh doanh thua lỗ đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, người này dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (áo đỏ)
Nguyễn Thị Hà Thành còn câu kết với 17 cựu cán bộ ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các đại gia, hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, bị cáo giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.
Các cựu cán bộ ngân hàng bị cáo buộc bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo; lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo; chưa qua thẩm định... giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác. Tổng cộng, "siêu lừa" đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, VAB hơn 273 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Hà Thành còn vay nặng lãi một số người. Họ cũng bị phạt tù về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Theo cơ quan xét xử, các bị cáo xâm phạm tài sản, quan hệ kinh tế được Nhà nước bảo hộ nên cần mức án nghiêm minh. Trong nhóm tội lừa đảo, Nguyễn Thị Hà Thành là chủ mưu; các nhân viên ngân hàng giúp sức nên có mức hình phạt thấp hơn.
Nhóm nhân viên ngân hàng được xác định thiếu trách nhiệm, bỏ qua nhiều hoạt động nghiệp vụ, giúp sức cho Thành lừa đảo. Ngược lại, họ được ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, có thành tích trong công tác, không được hưởng lợi…
Có 8 giao dịch viên, thủ quỹ của NCB và VAB được xác định phạm tội do Nguyễn Thị Hà Thành là khách VIP, cấp trên yêu cầu thực hiện… nên được tòa cho hưởng án treo.
Dự kiến, phiên phúc thẩm sẽ diễn ra trong 4 ngày.