Hàng chục nhà lập pháp thuộc Nghị viện châu Âu chỉ trích việc Trung Quốc dùng nhiều biện pháp trừng phạt để “bịt miệng” những học giả và tuyên bố sẽ hủy hiệp định đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc nếu Trung Quốc không dừng lại, theo báo South China Morning Post.
Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc được hai bên ký cuối tháng 12-2020, hiện đang trong quá trình chờ nghị viện cả hai bên phê chuẩn để có hiệu lực (dự kiến vào năm 2022).
Trong phiên tranh luận tại Nghị viện châu Âu hôm 28-4, hơn 30 nghị sĩ đã lên án các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt hồi tháng trước nhắm vào một loạt các quan chức dân cử, đại sứ, học giả và các tổ chức tư vấn chính sách. Họ cảnh báo Trung Quốc rằng Hiệp định đầu tư toàn diện giữa EU – Trung Quốc đang “đóng băng” và những người ủng hộ quan hệ thương mại với Trung Quốc có thể phải trả giá.
“Nếu muốn chứng tỏ lần đầu cũng như lần cuối rằng EU không phải là một cái chợ mà là một nơi có nguyên tắc thì chúng ta phải có hành động, và điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải huỷ bỏ Hiệp định đầu tư với Trung Quốc” - nghị sĩ Pháp Emmanuel Maurel tuyên bố.
Các nhà lập pháp của Nghị viện châu Âu trong một buổi tranh luận hôm 19-4. Ảnh: REUTERS
Tại phiên tranh luận, các nghị sĩ không có hứng thú với chính sách ngoại giao mềm mỏng. Hầu hết các đảng lớn trong nghị viện đã chính thức tuyên bố sẽ không ủng hộ Hiệp định đầu tư nếu Trung Quốc không dỡ các lệnh trừng phạt. Ngay cả khi có sự ủng hộ của đảng lớn nhất - đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Hiệp định trên vẫn có thể không được phê chuẩn. Đó là chưa kể ngay trong chính nội bộ đảng EPP cũng có sự chia rẽ.
Hồi tháng 3, EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức và thực thể Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, cụ thể là cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Để trả đũa, Trung Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt vào các quan chức, các nhà nghiên cứu, các tổ chức tư vấn và học giả châu Âu - những người đã chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Những người này và gia đình sẽ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau. Phó chủ tịch Nghị viện Hannah Neumann cho biết Bắc Kinh đã trừng phạt toàn bộ Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu.
Ông Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu cho biết Hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc sẽ còn đóng băng dài dài. Với tình hình hiện tại, Hiệp định này có nguy cơ sẽ "chết từ trong trứng nước".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên, trái) cùng các lãnh đạo châu Âu trong phiên họp trực tuyến về Hiệp định toàn diện EU - Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Trong phiên tranh luận, bà Maria Arena, một nghị sĩ Bỉ phát biểu: “Nếu quyền ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hoặc Đài Loan không thể được thảo luận tại Nghị viện này thì không có vấn đề nào có thể được thảo luận tại đây cả”.
Phần mình, ông Josep Borrell - đại diện cấp cao EU về đối ngoại cho biết ông đứng về phía các cá nhân bị áp lệnh trừng phạt, nhưng việc hợp tác với Trung Quốc trên nhiều mặt vẫn rất cần thiết.
“Không có Trung Quốc, các thách thức toàn cầu không thể được giải quyết một cách hiệu quả, chẳng hạn như đối phó với biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, vấn đề Myanmar và thỏa thuận hạt nhân Iran” - ông nói.
Ông Borrell cũng đề cập rằng các lãnh đạo cấp cao của EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đồng quan điểm như vậy.
Binh lính canh gác bên ngoài một trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương. Ảnh: REUTERS
Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa EU - Trung Quốc tiếp tục leo thang. Các nhà lập pháp ở EU - cũng như ở Anh, Mỹ và các nước đồng minh khác - đã đề nghị xử phạt thêm các quan chức Trung Quốc để đáp trả.
Hồi tháng 3, một nhóm nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã gửi một lá thư đến ông Borrell yêu cầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Hong Kong vì “liên tục vi phạm các quyền tự do cơ bản theo Luật cơ bản và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị”. Hôm 28-4, một nhóm nghị sĩ khác đã gửi thư cho 10 nghị viên thường trực tại EU, kêu gọi nước họ “ngừng hiệp ước dẫn độ sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Hai tuần trước, Hungary - đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc tại EU, đã phản đối các đề xuất biện pháp mới của EU nhằm vào Trung Quốc, bao gồm việc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc và tạo điều kiện cho những người Hong Kong và sinh viên “có trình độ cao” cư trú tại EU.