Đáng nói hơn khi đem bán đấu giá chẳng tổ chức, cá nhân nào tham gia, dù khu vực dự án được xem là “đất vàng”.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, trong số gần 14.000 căn hộ và nền đất tái TĐC tại KĐT mới Thủ Thiêm còn để trống, TP sẽ giữ lại hơn 8.500 căn hộ, nền đất để bố trí TĐC cho 460 dự án chỉnh trang đô thị, còn lại sẽ bán đấu giá. Trước câu hỏi vì sao không chuyển sang nhà ở xã hội (NoXH) mà bán đấu giá, đại diện Sở Xây dựng cho biết do giá thành của các căn hộ TĐC rất cao, không phù hợp bán NoXH. Bên cạnh đó, NoXH không nộp tiền sử dụng đất, còn nhà ở TĐC đã nộp tiền sử dụng đất.
Trao đổi với ĐTTC về thực trạng ế ẩm căn hộ TĐC trong bán đấu giá, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM (thuộc Sở Tư pháp TP), cho biết theo kế hoạch phiên đấu giá nói trên sẽ diễn ra vào ngày 8-2-2018. Tuy nhiên đến hết ngày 7-2 vẫn không có tổ chức, cá nhân nào mua hồ sơ đấu giá đăng ký tham gia theo quy định, dù trước đó đã có nhiều đơn vị, cá nhân đến nghiên cứu, tham khảo hồ sơ. Do vậy phiên đấu giá phải hủy, không diễn ra như dự kiến.
Trong tổng số 3.790 căn hộ đưa ra bán đấu giá với mức giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng có 2 gói: gói số 1 bao gồm các lô R1, R2, R3 với tổng số 2.220 căn do Công ty Thuận Việt xây; gói thứ 2 gồm các lô R4, R5 do Công ty Đức Khải xây với 1.570 căn.
3.790 căn hộ KĐT Thủ Thiêm đem đấu giá lần đầu không thành công. Ảnh: TR.GIANG
Theo ông Sỹ, theo Luật Thi hành án, đối với tài sản thi hành án, nếu phiên đấu giá lần đầu không thành công do giá cao không có người tham gia, phiên đấu giá kế tiếp được giảm giá nhưng không quá 10% so với lần trước. Còn việc đấu giá các căn hộ TĐC không phải là tài sản thi hành án, nên không giảm giá theo cách trên, mà UBND TP cùng các cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại mức giá cho phù hợp hơn trước khi đem ra đấu giá tiếp.
Sau khi hoàn thành việc thẩm định, Trung tâm sẽ ký hợp đồng với Sở Tài nguyên - Môi trường để tổ chức tiếp việc đấu giá vào thời điểm thích hợp. Theo quy định khi tham gia đấu giá, tổ chức, cá nhân sẽ ký quỹ 20% trên tổng số tiền giá khởi điểm. Nếu đấu giá thành công, trong vòng 3 tháng đơn vị trúng giá phải thanh toán dứt điểm số tiền trúng giá; trong trường hợp chậm thanh toán sẽ bị phạt 0,05%/ngày theo quy định.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến không ai tham gia đấu giá là bài toán tài chính. Với tiền ký quỹ 20% đơn vị đấu giá phải bỏ ra hơn 1.800 tỷ đồng, rồi 3 tháng sau phải có ít nhất khoảng 7.000 tỷ đồng nữa để nộp, quả là khó với hầu hết doanh nghiệp BĐS hiện nay.
Trong khi đó nếu doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án, họ có thể xoay chuyển nguồn vốn với áp lực nhẹ hơn, như theo tiến độ huy động từ khách hàng, vay ngân hàng, thanh toán chậm với các nhà thầu… Do đó, ngoài vấn đề giá, TP nên chẻ nhỏ các gói này ra để số tiền phải ký quỹ, thanh toán cho người tham gia sẽ nhẹ nhàng hơn, ít áp lực hơn, từ đó mới hy vọng lần đấu giá tiếp theo sẽ thành công.