Ông Bùi Xuân Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết doanh nghiệp này hiện đang thực hiện hơn 40 dự án nhà ở tại TP.HCM. Trong quá trình phát triển, Tập đoàn gặp nhiều vướng mắc về chính sách pháp luật liên quan quản lý đất đai.
Bày tỏ sự thông cảm bởi thời gian qua, công tác thanh - kiểm tra, kiểm toán việc quản lý sử dụng đất, rà soát cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, khiến các sở, ban ngành chưa tập trung xem xét các thủ tục liên quan các dự án bất động sản, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên theo ông Huy, việc này gây tâm lý hoang mang cho cư dân, ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng môi trường đầu tư bất động sản tại thành phố. Trước những khó khăn này, Novaland vẫn không ngừng theo đuổi, nỗ lực phối hợp sở ban ngành, hoàn thành các thủ tục pháp lý theo yêu cầu.
Có nhiều trường hợp, đơn vị này đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chủ yếu là các dự án đã bàn giao cho cư dân sinh sống 2 - 3 năm nhưng người dân vẫn chưa được cấp "sổ hồng". Cụ thể, từ 2017 - 2018 chủ đầu tư đã xin tạm nộp tiền sử dụng đất cho các dự án: số 119 đường Phổ Quang; số 38 Trương Quốc Dung; 130 - 132 Hồng Hà; dự án số 239 - 241 Tân Phú và đã được UBND TP chấp thuận cho tạm nộp 50% tiền sử dụng đất nhưng đến nay, thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng vẫn chưa hoàn thành.
Một số dự án như 148 Nguyễn Văn Trỗi, số 8 Hoàng Minh Giám... Novaland đã hoàn thành công tác định giá, đóng đủ 100% tiền sử dụng đất và nộp hồ sơ xin cấp "sổ hồng" cho người dân, đến nay, hồ sơ vẫn nằm chờ tại Sở Tài nguyên - Môi trường... Đại diện Tập đoàn Novaland đưa ra 2 kiến nghị.
Đối với các dự án chưa được định giá, UBND TP và các sở ngành sớm xem xét định giá làm cơ sở để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, trên cơ sở đó nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân cư. Đối với các dự án mà chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng người dân chưa được xét cấp "sổ đỏ", đơn vụ quản lý nhanh chóng xem xét, giải quyết để sớm ổn định đời sống cho cư dân.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM mới công bố, trong 6 tháng năm nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163.173 tỉ đồng, chỉ đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu tiền sử dụng đất giảm 21%. Vẫn biết là năm nay, các nguồn thu đều gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng do Covid-19; TP cũng đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn thuế, giảm thuế... cho doanh nghiệp.
Thế nhưng đây là lần đầu tiên trong thời gian 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước của thành phố bị sụt giảm mạnh, trong khi chi ngân sách địa phương lại tăng cao. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định, đây là vấn đề bức xúc của người dân lẫn doanh nghiệp thời gian qua. Hệ quả của việc tắc tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và cũng là quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Bởi khi có sổ hồng thì doanh nghiệp mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở, nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, người dân khiếu kiện, thậm chí tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt ở các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư. Theo ông Châu, hiệp hội đã đề xuất tháo gỡ khó khăn nhưng quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu. Việc tắc tiền sử dụng đất có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất; đã nộp và được cấp sổ hồng 1 phần nhưng nay không được cấp tiếp vì có vướng mắc phải xác định lại tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên môi trường mới đề nghị xác định đất ở bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư khối đế, hồ bơi, sân vườn, sân chơi, lối đi nội bộ... nhưng đây là quy định không đúng với quy định hiện tại, nhất là với những chung cư lớn. Đặc biệt, từ quan điểm của Sở Tài nguyên môi trường thì toàn bộ dự án đều bị tắc trong vấn đề này.
Ngoài ra, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, thậm chí có trường hợp đã được thành phố xác nhận hệ số sử dụng đất không thay đổi nhưng gần cả năm vẫn chưa được cấp sổ hồng. Hay có việc góp vốn đầu tư thì xác định là chuyển nhượng dự án hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng khó khăn khiến dự án không được cấp sổ hồng. Có điểm chung là hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên môi trường hiện nay xin được cấp sổ hồng đều được giải quyết rất chậm. Hiệp hội cũng sẽ kiến nghị sắp tới khi sửa Luật Đất đai nên có thể phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận huyện để nhanh hơn, thay vì chỉ tập trung vào Sở Tài nguyên môi trường.