Hàng Việt “thất thủ” trên “sân nhà”

(ĐTTCO) - Xăng dầu đã giảm giá nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo ở mức cao, siêu thị ngày càng vắng bóng hàng Việt… là những chuyện không mới, song đằng sau đó là câu chuyện đáng phải bàn.

Trái cây ngoại tràn ngập trên các kệ của siêu thị.
Trái cây ngoại tràn ngập trên các kệ của siêu thị.
Nông sản Việt “dạt” ra vỉa hè
Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2022 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,92 tỷ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, cũng trong tháng 7 qua Việt Nam chi tới 1,1 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc, Mỹ, Australia là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, lần lượt chiếm tỷ trọng 35,6%, 16,4% và 9,3%.
Không thể phủ nhận khi hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng ngoại tràn vào Việt Nam là tất yếu. Thế nhưng, việc rau quả nhập khẩu ồ ạt và tăng liên tục những năm gần đây, dần chiếm lĩnh thị trường là cảnh báo với hoa quả Việt - vốn có thế mạnh về trái cây nhiệt đới. Cách đây vài năm, muốn mua hoa quả ngoại, các bà nội trợ phải vào siêu thị hay đến những cửa hàng trái cây cao cấp.
Người dân cũng phải trả mức giá khá cao mới mua được các loại trái cây Mỹ, Australia, Tây Ban Nha, New Zealand... Nhưng hiện nay, trái cây ngoại không chỉ bày bán với số lượng lớn trong siêu thị, mà còn chiếm tỷ lệ áp đảo tại các chợ trong khi trước đây chỉ bày bán toàn trái cây nội. Trái cây ngoại bày la liệt ở sạp, từ hàng Âu, hàng Mỹ đến hàng Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan…
Không khó để nhận ra, chỉ quan sát trên sạp hàng bán trái cây ở siêu thị với hơn chục loại hoa quả, số lượng trái cây Việt đếm trên đầu ngón tay, còn hầu hết là hàng nhập khẩu.
Đơn cử, tại Hà Nội trên các tuyến đường Giải Phóng, Tân Mai, Nguyễn Xiển, người tham gia giao thông không khó bắt gặp các điểm bán trái cây Việt ở vỉa hè, hay xe hàng rong, với tấm biển ghi giá “Cam 25k/kg” - tức 25.000 đồng/kg, “Nhãn lồng xả 15k”, “Dưa hấu Sài Gòn 10k”... Thực tế, không chỉ hoa quả, nhiều loại nông sản khác cũng chịu số phận tương tự. Đáng buồn trên chính sân nhà, hàng Việt đã bị hàng ngoại “đánh bật” khỏi siêu thị cũng như ở sạp chợ, cuối cùng đành dạt ra vỉa hè, xe hàng rong.
“Lối hẹp” vào siêu thị
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho thấy sau 10 năm triển khai cuộc vận động, hiện tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị luôn đạt mức trên 90%.
Thực tế, hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại hệ thống siêu thị nội, nhưng lại rất khó chen chân vào các siêu thị lớn có vốn đầu tư nước ngoài; nếu có hàng Việt khó có thể “giữ chỗ” ở siêu thị được bao lâu khi sự cạnh tranh hàng ngoại ngày càng gay gắt.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt khó vào siêu thị ngoại do gặp nhiều rào cản kỹ thuật. Song đây vẫn chưa phải là nguyên nhân duy nhất. Nguyên nhân khiến hàng Việt bị “bịt cửa” là các doanh nghiệp (DN) Việt đang phải chịu mức chiết khấu rất cao, bị chiếm dụng vốn khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị do DN nước ngoài đầu tư.
Hiện khoảng 85% hàng hóa được bày bán tại các siêu thị dưới hình thức ký gửi, nghĩa là DN sẽ gửi hàng tại siêu thị và siêu thị chỉ trả tiền cho DN khi hàng đã bán được. Cách làm này giúp siêu thị không phải bỏ vốn vẫn có lãi, phần tiền hàng theo thỏa thuận sẽ được hoàn trả cho DN 15-20 ngày sau khi mặt hàng đã được bán, thậm chí có nơi còn lên tới 3 tháng. 
Khi vốn của người sản xuất đã bị chiếm dụng, khiến nhiều DN gặp khó khăn khi tái đầu tư sản xuất. Ngoài việc bị chiếm dụng vốn, chi phí đi kèm và mức chiết khấu cao các siêu thị đặt ra cũng đang “bào mòn” lợi nhuận các DN sản xuất.
Ông Phú dẫn chứng: “Một lô miến vào siêu thị phải mất 20 triệu đồng phí tạo mã. Sau 3 tháng, DN vẫn chưa thể  nhập hàng bán trong siêu thị ngay và bị yêu cầu rất nhiều thủ tục khác. Để được bán thường xuyên, sản phẩm được thông qua kênh phân phối phải chiết khấu 35%, còn nếu chiết khấu 15-20% thì 1 năm chỉ được bán 1 lần. Thậm chí phân bón, thuốc trừ sâu phải chiết khấu đến 60% mới được phân phối”.
Chậm thanh toán, mức chiết khấu cao đã khiến các DN sản xuất buộc phải đẩy giá thành sản phẩm khi bán ra thị trường, và người tiêu dùng phải chịu những chi phí này. Hệ lụy hàng hóa luôn neo ở mức cao, hàng Việt khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập, dẫn đến tự rút lui, vắng bóng dần trong các siêu thị. Có lẽ đây là những yếu tố khiến giá cả hàng hóa khi có “thời cơ” tăng sẽ rất khó giảm xuống. 
Thực tế mặt trái này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có sự can thiệp để chấn chỉnh, trong đó trách nhiệm trực tiếp là Bộ Công Thương. Mới đây, Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá cả. Có lẽ, vấn đề điều hành giá trong chính hệ thống các siêu thị là việc cần làm ngay lúc này, tránh hàng hóa thiết lập mặt bằng giá mới khi giá xăng dầu đã giảm.
Trong các năm gần đây, dù các tỉnh, thành đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và cải tạo các chợ để đưa hàng Việt vào, Bộ Công Thương cũng có đề án phát triển chợ với tầm nhìn đến năm 2030, nhưng các điều kiện cần và đủ để đầu tư và phát triển, duy trì sự hoạt động của chợ dường như vẫn thiếu. Cả nước hiện chỉ có 15-20% chợ loại I, còn lại là chợ loại II và III. Hạ tầng nhiều chợ đã xuống cấp, vệ sinh môi trường, tổ chức nguồn hàng, an toàn thực phẩm… không đảm bảo.
Một số địa phương đã cải tạo chợ thành TTTM theo mô hình mới. Tuy nhiên, từ thiết kế tới cơ chế vào chợ sau cải tạo còn nhiều khúc mắc, dẫn tới tình trạng chợ hoạt động không hiệu quả, nhiều tầng trên chủ yếu dành cho các đại gia, còn tầng hầm buôn bán khó khăn, thiếu ánh sáng và không khí, môi trường kinh doanh không hấp dẫn. 
 Hàng hóa neo ở mức giá cao do những chi phí trung gian phân phối để được bán sản phẩm trong các siêu thị, đang đè nặng lên DN sản xuất.

Các tin khác