Thay da đổi thịt
Nhắc lại để so sánh hình ảnh về vùng nông thôn TPHCM ngày đó và bây giờ thay đổi ra sao. Và cũng để thấy rằng, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nên giờ đây khi nói đến Củ Chi, Cần Giờ… không còn là những hoạt động cứu đói thời kỳ giáp hạt hay hỗ trợ bà con mỗi độ xuân về.
Cần Giờ ngày nay được xác định là huyện mạnh về du lịch sinh thái với rừng ngập mặn ven biển, có lợi thế về nuôi trồng thủy sản của vùng nước lợ. Lợi thế mới nhất là xây nhà dẫn dụ yến về làm tổ, nhờ có nguồn thức ăn vô tận cho chim yến từ khu rừng ngập mặn trên dưới 30.000ha.
Giờ đây, Củ Chi trở thành huyện trọng điểm sản xuất về nông nghiệp đô thị của TPHCM, việc ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao ngày càng mở rộng nhờ Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở xã Phạm Văn Cội - như là khu hạt nhân cho cả vùng.
Củ Chi không chỉ dẫn đầu về diện tích hoa lan và kiểng mà còn có cá cảnh, vật nuôi ưu thế hàng đầu của TPHCM so với các địa phương khác nhờ thị trường tiêu thụ lớn trên 10 triệu người và cửa ngõ xuất khẩu cá cảnh đi các nước.
Nếu cho rằng, nhờ 10 năm xây dựng NTM nên bộ mặt ngoại thành TPHCM mới “thay da đổi thịt” là có phần khiên cưỡng. Bởi, nông thôn ngoại thành có được như hiện nay là cả quá trình đầu tư, thậm chí phải nói là có phần táo bạo. Rừng ngập mặn Cần Giờ hầu như bị hủy diệt hoàn toàn vì chiến tranh, năm 1978, khi tiếp quản từ tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo TPHCM lúc đó có 2 chủ trương mà giờ đây nhìn lại là rất kịp thời và đúng đắn.
Đó là huy động người dân thành phố trồng lại rừng Cần Giờ và sau đó là xây dựng con đường (đất đỏ), kết nối thị trấn Cần Thạnh với Nhà Bè, cửa ngõ để vào các quận huyện khác của TPHCM. Với Củ Chi, thời điểm đó là nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng hồ thủy lợi Dầu Tiếng ở Tây Ninh, với tác động của TPHCM, Bộ NN-PTNT cho xây dựng riêng con kênh Đông dẫn nước từ hồ về tưới cho vùng đất Củ Chi, sau đó mở rộng về huyện Hóc Môn và Bình Chánh.
Nhờ nguồn nước kênh Đông, giúp cho độ ẩm và nước ngầm trong đất tăng lên, lúa sản xuất liên tục 3 vụ/năm. Không còn trồng thuần cây lúa nữa, mà còn thêm cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phộng, bắp giống... Từ thập niên 2000, diện tích hoa và lan các loại đã được thay thế dần, kéo theo đó là cuộc sống người dân cũng được cải thiện. Có thể nói, đó là những đầu tư cơ bản làm xoay chuyển bộ mặt nông thôn.
Một thuận lợi khác, đầu năm 2000, trước khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cả nước, lãnh đạo TPHCM đã tính đến việc tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP, chỉ đạo ngành nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ cây và con giá trị thấp như cây lúa năng suất thấp ở nhiều huyện, cây cói ở Cần Giờ... sang cây và con có giá trị cao hơn như bò sữa, rau an toàn (Hóc Môn, Củ Chi), tôm nước lợ (Cần Giờ, Nhà Bè).
Có thể nói, đó là tiền đề sau này TPHCM chuyển từ nông nghiệp truyền thống (lấy cây lúa làm chủ đạo) thành nông nghiệp đô thị đặc trưng ở những thành phố lớn, chọn nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao mà diện tích không cần quá lớn như hoa các loại, cây kiểng, cá cảnh...
Việc xây dựng vùng nông thôn ngoại thành là một quá trình liên tục, dài lâu, nhưng cũng phải thấy rằng, khi “cả thành phố chung sức xây dựng NTM” 10 năm qua đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng, làm thay đổi gần như toàn bộ hình ảnh vùng nông thôn ngoại thành. Xây dựng NTM, xét cho cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn để thu hẹp khoảng cách với người dân thành thị.
Điều này TPHCM đang đi đúng hướng, khi thu nhập giữa người dân 2 khu vực này đang được rút ngắn. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn TPHCM mới bằng 55,5% so với thu nhập ở thành thị, thì đến năm 2019 là 72,57%. TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố (dưới 21 triệu đồng/người/năm trở xuống) còn 0,41% (1.777 hộ).
Điều ghi nhận là trong quá trình xây dựng NTM, TPHCM không để xảy ra tình trạng nợ công.
Hướng đến những mục tiêu mới
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm cả nước thực hiện Chương trình NTM được tổ chức vừa qua tại Nam Định, đại diện Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Đăng Doanh cho biết, TPHCM cùng 12 tỉnh thành khác nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước với thành tích tiêu biểu về xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa. TPHCM có 54/56 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015, 3/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Giai đoạn nâng cao 2016-2020, đến nay, TPHCM có 47/56 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, trong đó 31 xã đã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nâng cao.
Nhưng cũng phải thấy rằng, việc kết nối kinh tế nông thôn - đô thị chưa phải là cao, vấn đề quy hoạch vẫn còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai; về môi trường nông thôn, nhiều nơi là vấn đề nan giải vì mật độ dân số tăng cơ học quá nhanh, cộng thêm sự bị động từ nguồn nước ô nhiễm của những khu công nghiệp ngoài địa phận; an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt các vùng đô thị hóa nhanh. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM mới của TPHCM.
Năng suất lao động nông nghiệp bình quân, chỉ số sâu xa nhất về phát triển kinh tế năm 2019 là 90 triệu đồng/người, gấp 3 lần so với năm 2008, là cơ sở giúp thoát nghèo. Nhưng nếu so với năng suất bình quân của TPHCM là 276 triệu đồng/người/năm, sẽ thấy nếu chỉ thuần làm nông nghiệp thì chỉ bằng 1/3 mức bình quân của thành phố. Có nghĩa là không thể làm giàu từ nông nghiệp.
Ngay cả phương thức sản xuất cũng là vấn đề. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng 2,5 lần, lên con số 76, nhưng như phát biểu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chưa thể hài lòng. Vì số hộ tham gia hợp tác xã chỉ chiếm 7,7%, trong khi cần trên 50% mới sản xuất bền vững.
Việc đạt danh hiệu xã hay huyện NTM chỉ là danh hiệu nhất thời cho một giai đoạn cụ thể. Nếu dừng lại sẽ bị tụt hậu. Xây dựng NTM xét cho cùng là một quá trình tiếp nối, không phải phấn đấu cho một danh hiệu. Việc cả nước, trong đó có TPHCM, đi vào giai đoạn nâng chất các tiêu chí về NTM là phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Giai đoạn nâng cao hiện nay, hầu hết các tiêu chí của TPHCM đặt ra đều cao hơn tiêu chí chung cả nước, nên sẽ gian nan hơn để đạt được.