Tự “đánh mất” thương hiệu chính mình
Giày Thượng Đình là một trong số những thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm của Việt Nam. Được thành lập từ năm 1957, giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân nhu, Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng, dép cao su phục vụ quân đội. Năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình, và năm 1993 chính thức mang tên Công ty giày Thượng Đình.
Trong thời kỳ bao cấp khó khăn, những người công nhân luôn được phát những đôi giày Thượng Đình đi kèm với các bộ đồ bảo hộ lao động. Những đôi giày bata màu xanh thời đó là lựa chọn không thể thiếu của rất nhiều gia đình. Không chỉ thành công trong nước, giày Thượng Đình còn có những lô hàng xuất khẩu lớn ra thị trường quốc tế.
Ít ai biết trong giai đoạn 1960-1972, giày Thượng Đình xuất khẩu gần 400.000 đôi giày basket sang Liên Xô và Đông Âu. Đặc biệt, năm 1992 lô hàng đầu tiên của xí nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất sang thị trường Pháp và Đức.
Khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) vào năm 2003, sản phẩm giày Thượng Đình vẫn có chỗ đứng vững vàng trên thị trường nội địa. Liên tục từ 2000-2006, sản phẩm giày của Thượng Đình luôn đứng đầu các cuộc bình chọn hàng Việt từ khách hàng.
Giày dép của Thái Lan và các nước láng giếng dù đã xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với giày Thượng Đình ở cả chất lượng, mẫu mã, giá cả nhờ lợi thế tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước.
Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của DN sang thị trường châu Âu đạt 4,6 triệu USD và tăng 5,4 triệu USD năm 2006. Các đơn hàng từ thị trường Mỹ, Nam Phi, Peru, Mexico… cũng có xu hướng tăng nhanh và không có hạn ngạch. Thị trường xuất khẩu châu Âu là chủ yếu, chiếm 80%, còn lại thị trường Mexico, Mỹ, Australia, Nhật và các nước Đông Nam Á.
Năm 2015, giày Thượng Đình quyết định CPH, thoái vốn nhà nước. Cuộc IPO trên sàn HNX với hơn 1,9 triệu cổ phiếu, mức giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu từng được xem là sự kiện đình đám khi ấy. Song, trái ngược với thời huy hoàng, những chuỗi ngày hậu CPH là bi kịch của thương hiệu giày nổi tiếng một thời này. Từ đó đến nay, quá trình kinh doanh của DN sản xuất triền miên thua lỗ.
Năm 2021, sau 6 năm CPH, báo cáo tài chính của CTCP Giày Thượng Đình vẫn không khá hơn những năm trước bao nhiêu. Tuy mức lỗ đã giảm gần 17,7 lần so với năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 774 triệu đồng và doanh thu tăng đôi chút khi đạt 108,7 tỷ đồng, song nợ phải trả gần như không xê dịch với mức 64,78 tỷ đồng. Trên thị trường, sản phẩm giày Thượng Đình không đủ sức cạnh tranh nổi với Adidas, Puma, Nike đang đổ bộ vào Việt Nam. Sản phẩm giày Thượng Đình vắng bóng dần trên các kệ trưng bày của siêu thị, cửa hàng.
Định giá thương hiệu và bảo vệ thương hiệu
Đã từng có nhiều ý kiến của giới chuyên gia cho rằng, trong quá trình CPH DNNN, cần siết lại chặt hơn khâu định giá thương hiệu, xem đây là một trong những thành tố quan trọng cấu thành giá trị DN. Thêm nữa, sau khi CPH nếu giá trị thương hiệu bị suy yếu cũng xem như thất thoát tài sản.
Hiện nay, giá trị thương hiệu của DNNN được định giá theo quy định của Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 18-7-2011) về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 127 hướng dẫn Nghị định 59, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định giá trị DN 5 năm, bao gồm các chi phí thành lập, đào tạo nhân viên, quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang web…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định nói trên chưa đủ chặt chẽ, chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế, dù tài sản vô hình nói chung hay thương hiệu nói riêng đã được ghi nhận trên các báo cáo tài chính. Việc xác định giá trị thương hiệu DN chỉ phù hợp với những DN mới thành lập và hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, còn với những thương hiệu đã có tuổi đời nhiều chục năm việc định giá trên chưa hợp lý.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đã đến lúc Nhà nước phải lưu ý đặc biệt đến tình trạng các thương hiệu lớn của các DN đang bị biến mất hoặc mờ nhạt sau khi trở thành tài sản của công ty khác. Thương hiệu chính là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia.
Những thương hiệu như LG, Samsung, Sony, Honda, Toyota… không chỉ đơn thuần là thương hiệu của DN, mà là nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng trong dài hạn của Hàn Quốc, Nhật Bản. “Chính vì vậy, trong quá trình CPH, thoái vốn cần đặc biệt chú ý đến việc giữ gìn các thương hiệu quốc gia, đồng thời phải tạo điều kiện để các thương hiệu này tiếp tục phát triển” - PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ngày 28-2-2022, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 57/TB-VPCP, nêu kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu CPH DNNN phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN. Cần có những đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu trong quá trình CPH. Việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của DNNN nên được xem là những việc cần làm ngay”.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc DN tự giác chủ động, các cơ quan chức năng cũng cần thống nhất về phương pháp đánh giá. Tránh tình trạng việc định giá, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị thương hiệu đối với các DN tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay vẫn còn là khoảng trống đang bỏ ngỏ.
Câu chuyện giày Thượng Đình là bài học đắt giá trong CPH DNNN. Đó là thực trạng làm ăn thua lỗ của các DN sau CPH, kéo theo giá trị thương hiệu DN từng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bị lao dốc không phanh. |