Để hoạt động sản xuất kinh doanh cộng đồng doanh nghiệp sớm đi vào ổn định trong trạng thái bình thương mới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang đã có công văn kiến nghị Thường trực UBND tỉnh phối hợp cùng lãnh đạo các tỉnh có địa bàn giáp ranh để cùng thống nhất phương án sử dụng lao động có nơi cư trú tại địa bàn giáp ranh.
Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hậu Giang đề xuất để doanh nghiệp tự tổ chức, quản lý việc vận chuyển đưa đón chuyên gia, người lao động trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị từ các tỉnh lân cận đến nơi sản xuất và ngược lại.
Các đơn vị xây dựng phương án vận chuyển chuyên gia, người lao động, đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động; lập danh sách chuyên gia, người lao động gửi đến Sở GT-VT để đề nghị cấp giấy đủ điều kiện lưu thông vận chuyển đưa đón chuyên gia, người lao động liên tỉnh.
Tiêu chí an toàn trong quá trình vận chuyển, đưa đón người lao động bao gồm: Người phục vụ, người điều khiển phương tiện đã tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau khi tiêm; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính và định kỳ 7 ngày/lần.
Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp Hậu Giang cũng kèm theo các nguyên tắc nghiêm ngặt khi tham gia vận chuyển đưa đón chuyên gia và người lao động theo các quy định của Bộ Y tế… Người sử dụng lao động là người chịu trách hoàn toàn trách nhiệm về toàn bộ hoạt động xảy ra trên phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển, đưa đón.
Còn theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hiện tỉnh đang tiếp tục mở rộng và bảo vệ chặt chẽ “vùng xanh” nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.
UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư công, kết nối liên hoàn các chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc của nền kinh tế; nới lỏng, cho phép mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư công được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19; việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ; thực hiện công tác quản lý bằng quy định chung, không ban hành thêm các loại giấy phép con…
Ông Đồng Văn Thanh cam kết: “Giai đoạn 1 của kế hoạch này diễn ra đến ngày 31-12-2021 nhằm thực hiện những giải pháp tập trung cần làm ngay, chặt chẽ, linh động, thận trọng nhưng không cứng nhắc, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện nhanh nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nông hộ trên địa bàn tỉnh sớm quay lại sản xuất kinh doanh; chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trước, trong và sau Tết cổ truyền”.