Hậu những cuộc chiến của Hoa Kỳ (K1): Iraq-Afghanistan gia tăng bất ổn

Trong bối cảnh Hoa Kỳ có khả năng can thiệp quân sự vào Syria, nhiều người đặt vấn đề về vai trò của những cuộc chiến do Hoa Kỳ phát động đối với đời sống kinh tế-xã hội ở những nước bị can thiệp, cũng như đối với bản thân Hoa Kỳ và cả thế giới.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ có khả năng can thiệp quân sự vào Syria, nhiều người đặt vấn đề về vai trò của những cuộc chiến do Hoa Kỳ phát động đối với đời sống kinh tế-xã hội ở những nước bị can thiệp, cũng như đối với bản thân Hoa Kỳ và cả thế giới.

Đã hơn 10 năm sau khi Hoa Kỳ phát động các cuộc chiến tranh can thiệp vào Afghanistan và Iraq, tình hình kinh tế-xã hội ở những nước này vẫn chưa được cải thiện.

Iraq: Bạo lực bao trùm

1 thập niên trôi qua, nhà độc tài Saddam Hussein đã bị lật đổ, thay thế bằng một chính phủ bầu cử dân chủ. Sự thay đổi này đã trả giá bằng mạng sống của hơn 4.400 binh sĩ Hoa Kỳ và 130.000 thường dân Iraq.

Ngoài ra, chiến dịch “giải phóng” Iraq của Hoa Kỳ đã tiêu tốn từ 50 tỷ USD dự tính ban đầu đội lên tới hơn 800 tỷ USD, chi phí tổng cộng cho cuộc chiến và tái thiết sau đó lên đến hơn 6.000 tỷ USD. Nhưng Iraq hiện có tốt hơn trước vẫn chưa thấy.

Về xã hội, tình hình trật tự trị an ở Iraq vẫn là cơn ác mộng không biết bao giờ mới chấm dứt. Bạo lực xảy ra thường xuyên tại Iraq kể từ khi Hoa Kỳ rút quân khỏi nước này cuối tháng 12-2011. Tại nhiều địa phương, đặc biệt thủ đô Baghdad, liên tục xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu trước sự bất lực của giới chức an ninh.

Trong các năm cao điểm bạo lực 2006, 2007, bình quân mỗi tháng có tới gần 3.000 người dân Iraq thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết. Bạo lực khiến 35% trẻ em Iraq mồ côi cha mẹ...

Theo số liệu của hãng BBC (Anh), tình hình an ninh quá tồi tệ đã đẩy gần 2,7 triệu người Iraq phải rời bỏ nhà cửa (tính đến tháng 3-2013), nửa số đó tỵ nạn bên ngoài Iraq. Bình quân mỗi năm có tới hơn 23.000 dân Iraq xin tỵ nạn ra nước ngoài, riêng năm 2006 và 2007, số đơn tỵ nạn của người Iraq lên lần lượt 45.514 và 39.600 do bạo lực leo thang. Iraq còn đứng đầu bảng “quốc gia tử thần của báo giới”, với số phóng viên thiệt mạng gấp đôi nước đứng nhì là Philippines.

Một binh sĩ Hoa Kỳ đang phát kẹo cho các trẻ em Afghanistan tại một trạm kiểm soát ở Khan Neshin, tỉnh Helmand.

Một binh sĩ Hoa Kỳ đang phát kẹo cho các trẻ em Afghanistan
tại một trạm kiểm soát ở Khan Neshin, tỉnh Helmand.

Về kinh tế, Iraq cũng chưa có biểu hiện khởi sắc. Hiện vẫn có hơn 34% người dân sống dưới mức nghèo đói, với 1,9 triệu người bị đói thường xuyên. Vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là Basra và Thi-Qar, phía Nam, Baghdad và một phần của Ninewa ở phía Bắc.

Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cản trở lớn nhất đối với kinh tế và phát triển xã hội Iraq hiện nay là thiếu nguồn cung cấp điện ổn định. Theo báo cáo, trước năm 2003, Baghdad được hưởng 16-24 giờ có điện mỗi ngày, trong khi toàn bộ phần lãnh thổ còn lại chỉ có 4-8 giờ có điện mỗi ngày.

Nay, bình quân các hộ gia đình được cung cấp điện 8 giờ/ngày. Mặc dù dầu lửa đóng góp phần lớn cho GDP của Iraq, nước này vẫn chưa có khả năng lọc dầu đủ tinh để đảm bảo nhu cầu về điện. Tham nhũng ở Iraq cũng không có tiến bộ nào đáng kể từ năm 2003.

Theo báo cáo Biểu đồ Tham nhũng Toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, 56% những người được hỏi nói từng hối lộ trong năm 2010. Phần lớn số đó (63%) thấy nỗ lực của chính phủ trong chống tham nhũng là không hiệu quả và có tới 77% cho rằng tham nhũng tăng đáng kể từ năm 2007. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Iraq tăng mạnh trong 10 năm qua, lên 15% hiện nay.

Afghanistan: Taliban quay lại

Năm 2001, người dân Afghanistan đã đổ ra đường ăn mừng sự sụp đổ của chính quyền khủng bố Taliban. Nhưng hơn 10 năm sau, đời sống của họ vẫn muôn vàn khó khăn, bất ổn vẫn đe dọa. Sau 10 năm chiếm đóng và tốn kém hàng trăm tỷ USD, Hoa Kỳ và liên quân vẫn không thể triệt tận gốc lực lượng nổi dậy Taliban.

Từ năm 2007, các vụ bạo lực, xung đột quân sự gia tăng tại Afghanistan, mỗi năm số binh sĩ nước ngoài tử vong lại càng cao. Theo Liên Hiệp quốc, trong 8 tháng đầu năm 2011, các vụ bạo động đã tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Xem ra triển vọng hòa bình tại nước này trở nên xa vời, trong bối cảnh quân Taliban đẩy mạnh chiến tranh du kích và từ chối đàm phán với chính quyền Kabul.

Mặc dù Afghanistan đã có một số thay đổi đáng kể trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc y tế và phát triển kinh doanh, buôn bán tại những thành phố lớn, nhưng chính quyền của Tổng thống Karzai hầu như chỉ kiểm soát được thủ đô Kabul, phần còn lại của đất nước nằm trong tay các thủ lĩnh quân sự địa phương hoặc quân nổi dậy Taliban.

Trong khi đó, việc trồng cây thuốc phiện tràn lan ở Afghanistan đã biến nước này thành “nguồn” cung cấp tới 90% lượng heroin của thế giới. Nhiều người dân Afghanistan vẫn chưa thoát cảnh đói nghèo khi nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào các khoản tiền viện trợ của nước ngoài.

Cho đến nay, Afghanistan vẫn là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, xếp thứ 175 trên bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển con người của Liên Hiệp quốc. Hiện khoảng 35% dân số thất nghiệp, 36% sống dưới ngưỡng nghèo đói của quốc gia.

(Còn tiếp)

Các tin khác