Một phúc trình hồi đầu năm của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), cho rằng những cuộc chiến tranh “hậu 11-9” do Hoa Kỳ phát động đã góp phần lớn vào việc tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
> Hậu những cuộc chiến của Hoa Kỳ (K1): Iraq-Afghanistan gia tăng bất ổn
Giá dầu, nợ công tăng
Khi Hoa Kỳ bắt đầu tấn công Iraq năm 2003, dầu chưa đầy 25USD/thùng, các thị trường tương lai cũng dự báo mức giá quanh đó. Tuy nhiên, cùng với chiến tranh, giá dầu đã có lúc tăng vọt đến 140USD/thùng (năm 2008). Giới quan sát cho rằng tác động đến giá dầu là hậu quả tồi tệ nhất của cuộc chiến, không chỉ vì hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Iraq bị gián đoạn, mà sự bất ổn do chiến tranh đã làm tổn hại tới đầu tư của cả Trung Đông.
Giá dầu tăng gấp nhiều lần đã đẩy chi phí cuộc chiến ở Iraq tăng vọt so với dự kiến, ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu khi chi phí năng lượng bị đội lên nhiều lần, kéo theo sự gia tăng chi phí trong hoạt động sản xuất, vận chuyển và phân phối.
Những hoạt động can thiệp quân sự vào Syria sẽ gây ảnh hướng rất xấu đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là giá dầu mỏ vì xung đột vũ trang sẽ đẩy giá dầu mỏ lên cao. Ông Zhu Guangyao, |
Trong các cuộc chiến trước đây, cách làm truyền thống của Hoa Kỳ và nhiều chính phủ khác là tăng thuế để lấy ngân sách cho chiến tranh. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq Nhà Trắng không tăng thuế. Thay vào đó, họ đã phát hành nợ để huy động ngân sách chiến tranh.
Điều này khiến nợ công Hoa Kỳ nhảy vọt từ 6.400 tỷ USD vào tháng 3-2003 đến 10.000 tỷ USD vào năm 2008 (trước khủng hoảng tài chính) và lên mức hơn 14.000 tỷ USD hiện nay.
Giới phân tích ước tính 1/4 mức gia tăng đó có nguyên nhân trực tiếp từ các cuộc chiến, chưa kể những khoản bồi thường thương tật và chăm sóc y tế cho các cựu chiến binh, ước tính vào khoảng 500 tỷ USD. Vì 2 cuộc chiến, nợ công ở Hoa Kỳ đã ở trong tình trạng cực kỳ xấu ngay cả trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Nguyên nhân gây khủng hoảng
Giới chuyên môn cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một phần do những cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ. Giá dầu tăng cao có nghĩa tiền mua dầu từ nước ngoài đã không được dùng cho chi tiêu nội địa. Trong khi đó, chi tiêu chiến tranh mang lại ít tăng trưởng kinh tế hơn so với các hình thức chi tiêu phát sinh.
Cuộc chiến Iraq đã đẩy giá dầu tăng gần 6 lần. |
Tiền chi trả cho các nhà thầu làm việc ở Iraq không phải là biện pháp kích thích ngắn hạn hiệu quả (không thể so sánh với chi tiêu cho giáo dục, hạ tầng hay công nghệ), cũng không phải là cơ sở cho tăng trưởng dài hạn.
Thay vào đó, chính sách tiền tệ nới lỏng và các quy định lỏng lẻo đã giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhưng lại hình thành các bong bóng. Điều này đã dẫn đến hậu quả bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2007-2008, khiến nền kinh tế Hoa Kỳ bất ngờ rơi tự do, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.
Xác định chính xác điều gì dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu là điều khó khăn, vì có rất nhiều nhân tố góp phần. Nhưng có điều chắc chắn rằng nếu tiền chi tiêu cho dầu mỏ đội lên được sử dụng cho tiêu thụ nội địa, chính phủ không phải nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để kích thích kinh tế, bong bóng sẽ nhỏ hơn nhiều và do vậy hậu quả bong bóng vỡ cũng không nghiêm trọng như trong thực tế đã diễn ra. Nói một cách thẳng thừng: Cuộc chiến đã gián tiếp góp phần phát sinh những chính sách tiền tệ và quy định sai lầm.
Cuộc chiến Iraq không chỉ gia tăng mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính, mà còn khiến Hoa Kỳ không thể đối phó với nó một cách hiệu quả. Nợ tăng có nghĩa là chính phủ có ít “room” để ứng phó hơn. Chẳng hạn, nỗi lo về các khoản nợ và thâm hụt ngân sách tăng cao làm hạn chế tầm mức của các chương trình kích thích kinh tế, do đó làm giảm khả năng đối phó với suy thoái kinh tế.
Với tỷ lệ thất nghiệp cao, chính phủ cần tiếp tục những biện pháp kích thích kinh tế, nhưng vì nợ chính phủ cao, việc đó ít được ủng hộ. Kết quả suy thoái kéo dài hơn, năng suất thấp hơn, thất nghiệp cao hơn và thâm hụt lớn hơn.
Nguy cơ Syria
Hậu quả nghiêm trọng từ những cuộc chiến do Hoa Kỳ phát động thời hậu 11-9 khiến giới quan sát càng lo ngại hơn trước việc Nhà Trắng đòi can thiệp quân sự ở Syria. Thêm một cuộc chiến ở khu vực Trung Đông trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Hoa Kỳ đang hồi phục yếu ớt sẽ đẩy cả thế giới vào rủi ro kéo dài suy thoái hoặc đình trệ kinh tế.
Theo chuyên gia Dov Zakheim thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cựu quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, trong cuộc chiến ở Libya Hoa Kỳ đã chi tổng cộng 1,5 tỷ USD. Cần nhớ rằng ở cuộc chiến này, Hoa Kỳ áp dụng chính sách “lãnh đạo từ phía sau”. Nhưng ở Syria, nhiều khả năng Hoa Kỳ phải “đứng mũi chịu sào”, nên chi phí sẽ cao hơn nhiều, ông Zakheim ước tính con số đó là 5 tỷ USD.
Trong thời điểm Hoa Kỳ phải tiết kiệm từng đồng ngân sách như hiện nay, việc vung ra hàng tỷ USD để “vác tù và hàng tổng” rõ ràng là một thách thức lớn. Quan trọng hơn, như lời Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo, việc đơn phương phát động chiến tranh sẽ thách thức sự tồn tại của Liên hiệp quốc và các nỗ lực hợp tác quốc tế.