Hệ quả chiến tranh tiền tệ (K2): Rủi ro sụp đổ toàn cầu

Những âm mưu chiến tranh tài chính, lợi ích của các nhóm tư bản phố Wall và sự bất định ngày càng tăng của hệ thống tài chính thế giới, là lý do khiến cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu.

Những âm mưu chiến tranh tài chính, lợi ích của các nhóm tư bản phố Wall và sự bất định ngày càng tăng của hệ thống tài chính thế giới, là lý do khiến cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu.

Hệ quả chiến tranh tiền tệ (K1): Cuộc chơi của nước lớn

Âm mưu lật đổ lẫn nhau

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 có mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều so với 2 cuộc chiến tranh tiền tệ trước (lần 1 vào 1921-1936 và lần 2 vào 1966-1987). Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3 mang tính chất toàn cầu, với quy mô lớn hơn rất nhiều và diễn ra ở cả cấp độ quốc gia lẫn tư nhân.

Ngày nay, rủi ro không chỉ là việc phá giá đồng tiền này so với đồng tiền khác để giành lợi thế cạnh tranh, mà là rủi ro khả năng sụp đổ hệ thống tiền tệ. Nghĩa là, việc mất niềm tin vào tiền giấy và nguy cơ xuất hiện làn sóng thu mua tài sản cố định. James Rickards, tác giả nổi tiếng về chủ đề chiến tranh tiền tệ, nói: “Cuộc chiến tiền tệ lần 3 có thể là cuộc chiến tranh tiền tệ cuối cùng - nghĩa là cuộc chiến tranh để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh tiền tệ”.

Nếu đơn thuần chỉ hiểu chiến tranh tiền tệ là cuộc đua phá giá tiền tệ, đây không phải là cách hiểu đầy đủ về cuộc chiến tiền tệ lần 3. Bởi cuộc chiến tranh tiền tệ lần 3 không đơn thuần là cuộc đua phá giá tiền tệ mà còn là những âm mưu nhằm lật đổ hệ thống tài chính của nhau. Cụ thể, ở đây là việc Nga và Trung Quốc đang muốn lật đổ vị thế thống trị của đồng USD.

Việc Nga và Trung Quốc cũng như một số quốc gia ở Nam Phi, Mỹ Latin đang cố gắng thiết lập một mạng lưới ngân hàng dành riêng cho các quốc gia thuộc nhóm BRICS, là một trong những nỗ lực chống lại sự thống trị của đồng USD. Thậm chí, Nga và Trung Quốc đang hỗ trợ cho các nước vùng Vịnh trong việc thanh toán mua bán dầu bằng đồng tiền riêng được bảo đảm bằng một danh mục hàng hóa, thay vì đồng USD. Chúng ta biết rằng bản chất của hệ thống tiền tệ ngày nay được gọi là hệ thống tiền tệ “bản vị dầu”.

Việc niêm yết giá dầu bằng đồng USD đã giúp đồng bạc xanh trở thành tiền tệ thanh toán lớn nhất toàn cầu. Vì quốc gia nào cũng cần USD trong giao dịch mua dầu, nên FED có thể in tiền ở quy mô lớn không sợ bị sụp đổ tiền tệ. Cả Nga và Trung Quốc đều hiểu rõ nguồn gốc sức mạnh của FED chính là việc gắn chặt đồng USD với dầu.

Đầu năm 2014, Trung Quốc bày tỏ tham vọng bước vào danh mục rổ tiền tệ SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của IMF, nhằm nâng cao vị thế của đồng NDT. Bởi chỉ khi có một vị thế lớn cho đồng NDT, Trung Quốc mới có thể dần thực hiện tham vọng của mình: phá vỡ sự liên kết giữa USD với dầu. Động thái này càng chứng tỏ Trung Quốc và Nga luôn ở thế đối đầu với Hoa Kỳ trong vấn đề gai góc này.

Chẳng hạn vào tháng 2-2012, khi Hoa Kỳ loại bỏ Iran ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD được kiểm soát bởi FED và Bộ Tài chính, đã khiến Iran gặp khó khăn trong việc giao dịch với thị trường quốc tế. Iran là quốc gia xuất khẩu dầu và điều này có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Iran. Trung Quốc và Nga đã hỗ trợ Iran bằng các dòng swap hoán đổi USD cho quốc gia này. Bên cạnh đó, Iran sử dụng hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và Nga để thực hiện các giao dịch khi bị Hoa Kỳ cấm vận.

Chiến lược đồng USD mạnh

Việc FED dừng các gói nới lỏng định lượng không phải là quốc gia này muốn chấm dứt cuộc chiến tiền tệ. Đây là sách lược mới của FED trong vấn đề cuộc chiến tranh tài chính đối với Trung Quốc và Nga. Hoa Kỳ có nhiều mục tiêu có thể đạt được khi thực hiện đồng USD mạnh.

Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho Eurozone trong việc phá giá tiền tệ (xem lại Kỳ 1). Thứ hai, đồng USD mạnh sẽ làm tổn thương giá vàng, vốn là công cụ được ưa thích khi có chiến tranh tiền tệ. Thứ ba, đồng USD mạnh giúp thúc đẩy chi tiêu của người dân, yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng của Hoa Kỳ.

Thực tế, 2/3 doanh thu của các công ty Hoa Kỳ đến từ nội địa, không phải xuất khẩu nên ảnh hưởng của đồng USD  mạnh không quá lớn. Thứ tư, Hoa Kỳ sẽ tấn công vào cả Trung Quốc và Nga bằng đồng USD mạnh. Đồng USD sẽ ảnh hưởng xấu đến giá dầu.

Giới phân tích cho rằng đây là một đòn tấn công của Hoa Kỳ vào nhà nước tự xưng IS, Nga, Venezuela và Iran, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Thực ra, căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề dầu mỏ đã có trước đó. Từ lâu, Nga luôn theo dõi chặt chẽ các công ty dầu của Hoa Kỳ như Exxon-Mobil và cả các công ty dầu của châu Âu.

Nga còn thực hiện các vụ tấn công mạng để tìm hiểu về nội tình bên trong của các công ty dầu. Hoa Kỳ cũng đã nắm được yếu điểm của Nga là 50% nguồn thu ngân sách đến từ dầu và khí gas. Trong cuộc chiến này, Hoa Kỳ có một đồng minh thân cận là Saudi Arabia. Một thông tin là John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã liên kết với Vua Abdullah trong một cuộc họp bí mật tại Syria vào tháng 9-2014 lập kế hoạch tấn công Nga và Iran, bằng việc cả 2 tung dầu ra thị trường làm giảm 50% giá thị trường.

Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi trong cuộc họp của nhóm OPEC vào tháng 12-2014, Saudi Arabia không hề cắt giảm sản lượng dầu, khiến giá dầu giảm mạnh.  Saudi Arabia luôn coi Iran là “gã hàng xóm nguy hiểm” vì Iran tiếp tay cho những âm mưu lật đổ chính phủ Saudi Arabia.

Hệ quả của cuộc chiến dầu mỏ là nước Nga rơi vào cảnh lao đao. Đồng rúp Nga mất giá hơn 50% trong năm 2014. Kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Có thể nói rằng Hoa Kỳ đã cùng lúc tấn công cả IS, Nga và Iran vì mối bất đồng với 3 mục tiêu này. IS là chủ nghĩa hồi giáo cực đoan; Nga là quốc gia rào cản trong cuộc chiến với Ukraine, khiến Nato và Eurozone không thể mở rộng biên giới; Iran là những mâu thuẫn về hạt nhân.

Hệ quả, vào ngày 14-7-2015, Iran đã phải chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ. Đối với Trung Quốc, đồng USD mạnh lên đang tạo ra làn sóng rút vốn khỏi quốc gia này. Trung Quốc đã phải phòng thủ bằng việc để cho đồng NDT tăng giá từ từ theo đồng USD như khẳng định của Yang Gi, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), sau đợt phá giá tiền tệ vào tháng 8-2015.

Trung Quốc hiện đang mắc kẹt giữa 2 mục tiêu: Giữ đồng NDT thấp để tạo ra tăng trưởng và việc làm trong khi mục tiêu kia là chống lại làn sóng tháo vốn thoát khỏi Trung Quốc. Dĩ nhiên, chính sách đồng USD mạnh đã vạ lây đến nhiều quốc gia khác như Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc... bởi làn sóng rút vốn.

(còn tiếp)

Các tin khác