Hết năm 2021, vẫn có cơ quan chưa phân bổ được đồng vốn đầu tư công nào

(ĐTTCO)- Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, đến nay, vẫn còn 13/50 bộ, cơ quan Trung ương và 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã được giao.
Đến nay, vẫn còn 13/50 bộ, cơ quan Trung ương và 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã được giao
Đến nay, vẫn còn 13/50 bộ, cơ quan Trung ương và 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã được giao

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại (30/12), tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã phân bổ là 505.179 tỷ đồng, đạt 109,51% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 67.274,125 tỷ đồng. Do vậy, nếu không tính số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng là 67.274 tỷ đồng thì tổng số vốn đã phân bổ là 437.904,881 tỷ đồng, đạt 94,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Đáng chú ý, đối với nguồn ngân sách Trung ương, có 13/50 bộ, cơ quan Trung ương và 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban Dân tộc (100%), Bộ Thông tin và Truyền Thông (97,1%), Bộ Công Thương (65,4%), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (56,44%).

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân là do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới năm 2021 do các dự án này chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Chưa phân bổ cho các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định; các dự án có thời gian bố trí vốn quá thời gian so với quy định (nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm).

Một số bộ, ngành kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 do không có nhu cầu sử dụng, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã được giao (Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương được điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021, theo Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện các thủ tục phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, có 51/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn 8/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Khánh Hòa (33,38%), TP.HCM (24,44%), thành phố Cần Thơ (20,62%).

Sau khi nhận được báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát và có ý kiến đối với các trường hợp phân bổ vốn không đúng quy định và đề nghị các bộ, địa phương rà soát, phân bổ vốn, đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư công và Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các tin khác