Cảnh giác khi giá đất tăng đột biến
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khi có những dấu hiệu giá đất tăng đột biến, người mua cần quan sát đánh giá được giá trị thật của BĐS thông qua đầu tư thực tế của nhà đầu tư vào dự án. Người mua cũng cần đánh giá xem nhà đầu tư đã thực hiện đúng quy hoạch, tiến độ dự án được duyệt chưa. Thường giá trị của đất đai sẽ tăng theo giá trị đầu tư vào các dự án.
Chẳng hạn, dự án hoàn thành san lấp giá đất chỉ vài triệu đồng, làm xong hạ tầng có thể tăng gấp đôi, và khi dự án hoàn thành bán ra là giá thị trường. “Để tránh bị lừa, người mua cần biết được dự án đã đủ điều kiện bán hàng chưa, người mua có thể yêu cầu nhà môi giới, chủ dự án cung cấp các tài liệu liên quan pháp lý dự án, kiểm tra lại tính pháp lý dự án trên cổng thông tin Sở Xây dựng địa phương” - ông Đính nhấn mạnh.
Sau Tết nhiều khu vực đất tại Đà Nẵng tăng rất cao.
Các chuyên gia BĐS cũng khuyến nghị khi quyết định mua đất tại một dự án nào đó, người mua đất cần khảo sát khách hàng mua bán tại dự án là ai. Nếu khách hàng tham gia dự án phần lớn là nhà đầu tư, đầu cơ không nên tham gia mua. Ngược lại, những khu vực toàn người có nhu cầu sử dụng lâu dài mua bán thì nên mua.
Ngoài ra, với những dự án còn trên giấy người mua đất không nên tham gia, vì những dự án này rất khó biết chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện được hay không. Có thể hiểu dự án nằm trên giấy là do nhà đầu tư yếu năng lực, thiếu tài chính không thể triển khai, trong bối cảnh ngân hàng đang siết tín dụng, hình thức góp vốn đầu tư không còn.
Làm giả văn bản là lừa đảo
Liên quan đến việc làm giả văn bản của cơ quan chức năng để gây sốt đất tại Đà Nẵng, Hội An trong thời gian qua, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cengroup, nêu quan điểm thổi giá đất bằng hình thức làm giả công văn của cơ quan có thẩm quyền là tội lừa đảo, phải xử lý theo pháp luật. Theo ông Hưng, đã đầu tư sẽ có rủi ro. Vấn đề là giá đất tăng bao nhiêu, tăng với tỷ lệ thế nào, có thích hợp hay không so với các kênh đầu tư khác.
Ông Hưng dẫn giải, nếu giá đất từ đầu năm đến cuối năm tăng gấp 2-3 lần, đó là rủi ro rất lớn. Tỷ lệ lợi nhuận và tỷ lệ rủi ro luôn tương ứng với nhau, lợi nhuận gấp 3 rủi ro cũng gấp 3 mức thông thường. Người đầu tư phải xác định như vậy để quyết định. Không có chuyện lợi nhuận tăng gấp 3, rủi ro không tăng.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề môi giới BĐS, ông Hưng cho rằng khi nhà môi giới nói với người mua là mua đi sẽ tăng giá gấp đôi, cần xem xét cam kết đó có bảo đảm không, hay nếu không tăng giá họ có đền bù không, hay thông tin chỉ mang tính tham khảo. Vì thế, việc nhà đầu cơ “vẽ” dự án người mua phải kiểm chứng vì các địa phương đều công bố công khai.
Những người đầu tư đất đai phải có hiểu biết pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS, đầu tư ăn theo rất dễ bị tổn thương. Nhà đầu tư chuyên nghiệp thường không theo phong trào, họ thường đi ngược dòng, chỉ người không hiểu biết mới mua theo phong trào.
Về nguyên tắc, Luật Kinh doanh BĐS yêu cầu chủ đầu tư tối thiểu phải công bố 7 thông tin liên quan sản phẩm chào bán. Trong đó có quyết định phê duyệt quy hoạch, với các thông tin về hạ tầng, quy hoạch, tính pháp lý, phân lô, phân thửa, tất cả đều phải có. Bởi một dự án chỉ có chủ trương đầu tư chưa chắc chắn, vì từ chủ trương đầu tư đến quyết định phê duyệt dự án là khoảng cách rất xa.