Trong bối cảnh trải qua 1 năm hạn hán, nông dân ở miền Bắc Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã chuyển đổi sang phương thức canh tác thân thiện với môi trường SRI. Nông dân Sunnan Somjak cho biết các cánh đồng lúa của gia đình ông gần như bạc màu sau khi sử dụng quá nhiều chất hóa học, trong khi sức khỏe của các thành viên trong gia đình cũng bị ảnh hưởng nặng nề, mà lợi nhuận thu về không đủ đáp ứng sinh hoạt thường ngày.
Phương thức này dựa vào kỹ thuật gieo trồng với mật độ thưa để đảm bảo cây trồng tiếp nhận được nhiều dinh dưỡng và ánh sáng hơn, đồng thời hạn chế lượng nước tưới tiêu…
Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi khi ông tham gia một dự án nông nghiệp thí điểm phương pháp canh tác SRI với mục đích thúc đẩy sản lượng mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới tiêu. Người nông dân 58 tuổi cho biết, sản lượng lúa vụ mùa ở làng của ông thuộc tỉnh Chiang Mai đã tăng 40% kể từ khi áp dụng phương thức canh tác mới. Cùng với đó, sức khỏe của người dân cũng được cải thiện khi vụ mùa không còn phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Một ưu điểm nữa của phương pháp này là số lượng hạt giống cần cho mỗi vụ mùa cũng giảm, từ đó giảm chi phí ban đầu. Phương thức này cũng khuyến khích sử dụng các loại rễ thực vật và gừng để xua đuổi sâu bọ một cách tự nhiên, thay thế các loại thuốc trừ sâu, từ đó giúp giảm chi phí chăm bón.
Thông thường, nông dân Thái Lan thu nhập khoảng 3.000 baht (100 USD)/tháng nhưng sau khi áp dụng phương thức SRI, nông dân Sunnan cho biết thu nhập của gia đình ông tăng khoảng 20%, giúp ông trả được các khoản nợ. Dự án cũng giúp Sunnan trồng cây xung quanh ruộng lúa của mình để giữ mực nước ngầm.
Gạo là lương thực thiết yếu trong các bữa ăn của khoảng 3 tỷ người trên thế giới. Tuy nhiên, các nông dân trồng lúa đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Theo Bangkok Post, sản lượng thóc thường niên của Thái Lan trong vụ mùa 2019-2020 dự báo sẽ ở mức 27-28 triệu tấn, giảm so với năm trước do lũ lụt và hạn hán. Bên cạnh đó, việc canh tác theo truyền thống cũng làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là khí methane và nitrous oxide. Người nông dân bị nhốt trong vòng luẩn quẩn. Tuy nhiên, các chuyên gia của Pur Projet, một công ty Pháp hỗ trợ kỹ thuật SRI, khẳng định với phương pháp này, các cánh đồng không thường xuyên úng nước, giúp giảm 60% khí thải methane và tăng sản lượng vụ mùa từ 20%-100%.
Các quốc gia khu vực Đông Nam Á, một số khu vực của Ấn Độ, Trung Quốc và châu Phi cũng đang dần áp dụng phương pháp canh tác này. Tuy nhiên, SRI cũng đang gặp nhiều thách thức vì phương pháp SRI khá phức tạp để học và đòi hỏi nhiều nỗ lực thủ công (vì phải trồng từng cây một và kiểm soát chặt chẽ lượng nước) trong bối cảnh Thái Lan lại là một trong những nước sử dụng thuốc trừ sâu nhiều nhất thế giới.