Hình ảnh chân thực dung dị về bác Hồ

“Nhà tiên tri” là tác phẩm điện ảnh được thực hiện phục vụ Nhân dân trong đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Một lần nữa, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hiện lên thật giản dị, ấm áp và thấm đẫm chất thơ.

 “Nhà tiên tri” là tác phẩm điện ảnh được thực hiện phục vụ Nhân dân trong đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Một lần nữa, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hiện lên thật giản dị, ấm áp và thấm đẫm chất thơ.

Tái hiện không khí chiến khu Việt Bắc

Được dựng từ kịch bản đạt giải ba cuộc thi Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội (năm 2009), bộ phim “Nhà tiên tri” tái hiện một thời gian khổ, hy sinh nhưng đầy sắc màu huyền thoại của dân tộc khi Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1947-1950).

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp mở chiến dịch Lê-a hòng bất ngờ tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở Bắc Kạn, nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn. Chính phủ kịp sơ tán và quân đội đã giáng trả cho kẻ địch những đòn đích đáng. Cũng chính giai đoạn này, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải phóng Đông Khê, bắt sống 2 binh đoàn Pháp. Đây là thời kỳ quan trọng khi ta chuyển từ phòng ngự sang chủ động, thể hiện rõ sự sáng suốt của Bác và Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến của toàn quân, toàn dân Việt Nam từng bước giành thắng lợi.

NSND Bùi Bài Bình vào vai Bác Hồ trong phim "Nhà tiên tri".

NSND Bùi Bài Bình vào vai Bác Hồ trong phim "Nhà tiên tri".

Nhà phê bình điện ảnh Đoàn Mạnh Tuấn nhận xét: “Đây là kịch bản khó vì không có đường dây nào xuyên suốt, nhất là cách kể chuyện trong phim giống phong cách kể chuyện của đạo diễn nổi tiếng của Nhật Bản là nuôi dưỡng những cảm xúc ngoài khuôn hình. Nhiều cảnh trình bày nhưng cảm xúc lại nằm sau câu chuyện, dành nửa phần cho khán giả thưởng thức dư âm của câu chuyện nhỏ. Phim được làm theo cách kể của các nhà điện ảnh phương Đông, câu truyện diễn biến theo thời gian nhưng mạch chuyện bao quát có thể nhìn ra nhiều vấn đề về quân sự, chính trị, ngoại giao... Đạo diễn Vương Đức và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã làm được điều này”.

Bộ phim còn đem lại cho khán giả một cái nhìn toàn diện hơn về Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một nhân cách lớn, con người giản dị với ý chí hòa bình bất diệt và tầm nhìn chiến lược thiên tài về thắng lợi tất yếu của dân tộc ta. Bác đã có những tiên đoán về thắng lợi của quân và dân ta vào năm 1954 và thực tế lịch sử đã chứng minh những nhận định thiên tài của Người hoàn toàn chính xác.

Với lợi thế của người chuyên làm phim về rừng, đạo diễn Vương Đức đã thu hết được cảnh rừng núi vừa mang tính hoang dã, hùng vĩ và rất thơ vào các khuôn hình. Đạo diễn Vương Đức cho biết khi làm “Nhà tiên tri”, ông lựa chọn cách làm phim pha trộn nhiều phong cách. Bởi đây là một phim dựa trên các tư liệu thực về giai đoạn Bác Hồ chỉ huy chiến dịch năm 1947 nên “Nhà tiên tri” có sự kết hợp giữa phim truyện và phim tư liệu để làm nhẹ chất tư liệu, ở chừng mực vừa phải để trộn vào được chất thơ.

Đặc biệt, cảnh mây, núi, sông hồ, những khung hình tuyệt vời với sông Lô - bến Bình Ca, đèo Bông Lau..., âm thanh của tiếng suối, tiếng rừng, lá, bước chân... Bộ phim đã thành công khi tái hiện không khí của chiến khu những năm ấy.

Bác Hồ ở chiến khu

Trước khi bộ phim chính thức công chiếu, không ít người cảm thấy lo ngại bởi NSND Bùi Bài Bình được chọn để thể hiện vai diễn này. Và ngay cả diễn viên Bùi Bài Bình cũng coi đó là áp lực vô cùng lớn. Anh tâm sự: “Đúng, đây là vai chính luận về lãnh tụ đầu tiên của tôi. Kể từ lúc manh nha viết kịch bản, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói với tôi: “Tôi đang viết kịch bản “Nhà tiên tri” để chú vào vai Bác Hồ. Chú không được từ chối, phải nhận lời đấy”. Tôi cười và nói rất hăng: “Em đóng chứ!”. Rồi đến khi tôi được đạo diễn Vương Đức mời vào vai diễn, lại có thêm một sự trùng hợp nữa, năm 2014, năm bấm máy bộ phim cũng là năm tôi bằng tuổi Bác Hồ ở trên phim. Tôi biết đây là cái duyên thật sự. Khi nhận lời, tôi cũng có chút e ngại, bởi trước tôi đã có rất nhiều người đóng vai Bác Hồ như Tiến Hợi, Trần Lực, Mạnh Trường… chưa nói mức độ thành công đến đâu, nhưng rõ ràng các nghệ sĩ đó đều được biết đến. Vậy tôi thì sao? Tôi tự hỏi và nghĩ, tại sao mình lại không đóng được? Bởi tôi có niềm tin vì trước khi nhận lời, trong tim tôi vẫn luôn yêu quý và thần tượng Bác”.

Khi nhận lời vào vai Bác Hồ, Bùi Bài Bình cho biết anh đã phải nghiên cứu rất lâu những tư liệu, thước phim, hình ảnh từ trong nước đến nước ngoài về Bác. Tài liệu về Bác Hồ giai đoạn 1947-1950 chưa nhiều, hoặc có nhưng chưa sâu, nhiều người cũng nói với Bùi Bài Bình rằng anh không giống Bác Hồ, không thể đóng được. Song chính đạo diễn Vương Đức đã phân tích và chia sẻ những vướng mắc ấy: “Có 2 cách cho sự lựa chọn vào vai Bác Hồ. Một là tìm được một người tương đối giống Bác Hồ nhưng lại không thể lột tả được hết, tâm trí, nguyện vọng, ước mơ, khát vọng hòa bình cho dân tộc. Cách hai, tìm một người không có nhiều nét ngoại hình giống Bác nhưng lại diễn được thần thái, nỗi ưu tư, suy nghĩ của Bác”.

Và sau những đắn đo, phân tích đạo diễn Vương Đức đã quyết định và thống nhất với NSND Bùi Bài Bình, bắt buộc diễn viên phải làm được, phải diễn được, phải toát lên được ý chí lớn, ý chí vĩ đại nằm trong một con người nhỏ bé, quảng đại, giản dị mà cả thế giới kính trọng.

Cảnh trong phim “Nhà tiên tri”.

Cảnh trong phim “Nhà tiên tri”.

Là một trong những người tham gia ê kíp làm phim từ những ngày đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Ngay từ khi cầm kịch bản tôi đã cảm thấy đây là công việc đầy thách thức. Trong phim dù không có những trường đoạn đọc thơ, ngâm thơ... nhưng người xem vẫn cảm nhận được tâm hồn của thi sĩ Hồ Chí Minh bởi những cảnh quay rất thơ như cảnh Bác ngồi câu cá giữa rừng, cảnh Bác cho chim bồ câu ăn, vừa mang chất thơ lại ẩn chứa, gửi gắm nhiều ý nghĩa về ước mơ hòa bình... Cám ơn đôi mắt xanh của đạo diễn, nếu không chọn Bùi Bài Bình thì phim gãy, bởi không có ai có thể vào vai diễn thật như thế”.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng: “Vai diễn của NSND Bùi Bài Bình tuyệt vời. Có thể nói đây là bộ phim ấn tượng nhất của tôi trong số các phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cảnh đan xen không làm cho người xem mệt mỏi, tôi có cảm giác chúng ta có thể viết tiếp được những tập sau của bộ phim này”.

Các tin khác