Hình thành 3 trung tâm vận tải ngang tầm khu vực, lọt top đầu ASEAN

(ĐTTCO) - Cục Hàng không đề ra mục tiêu ngành hàng không có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN, với 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực.
Thị trường vận tải hàng không Việt Nam phấn đấu đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.
Thị trường vận tải hàng không Việt Nam phấn đấu đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “Chuyển đổi số gắn với sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2024-2030”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững

Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, chuyển hóa nhận thức thành hành động trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành để hướng tới hai mục tiêu quan trọng. Đó là:

Một, xây dựng thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.

Cùng với đó, phát triển đội tàu bay theo định hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại; phát triển hệ thống cảng hàng không với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở.

Hai, từng bước phát triển trình độ khoa học công nghệ hàng không ngang tầm khu vực ASEAN.

"Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030", Cục Hàng không nêu rõ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Cục Hàng không đề ra các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Cụ thể, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chống các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Cùng với đó, ngành hàng không thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Định hướng chuyển đổi ngành giao thông vận tải nói chung và ngành hàng không dân dụng Việt Nam nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính", Cục Hàng không đề cập.

Ngành hàng không cũng kiếm tìm các giải pháp tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động hàng không dân dụng; triển khai các tiêu chí về hệ thống sân bay sinh thái gắn với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án phát triển phương tiện tại các cảng hàng không, sân bay thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện sử dụng năng lượng điện, phát triển các trung tâm logistics xanh, cảng xanh, ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị trong hoạt động hàng không.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng hàng không và hoạt động vận tải hàng không, đảm bảo an toàn, thông suốt, giảm tiêu thụ năng lượng.

Nghiên cứu tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) dần thay thế cho nhiên liệu hàng không truyền thống trên các tàu bay của Việt Nam nhằm giảm lượng phát thải cacbon ròng trong nỗ lực thực hiện cam kết của Thủ tường Chính phủ tại hội nghị COP 26 về phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050.

Cùng với đó, ngành hàng không dân dụng cũng tích cực chuyển đổi số và xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; thúc đẩy cải cách quy trình nghiệp vụ, hướng đến đơn giản hóa, chuẩn hóa; tăng hiệu quả cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, nhân viên, người lao động ngành hàng không và tầm quan trọng của công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức cộng đồng về chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững.

Toàn ngành vào cuộc

Để triển khai các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không dự kiến sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, kiến thức pháp luật về chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững trong toàn bộ ngành hàng không dân dụng.

Hình thành và phát triển 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực ASEAN. Phát triển hệ thống quản lý, bảo đảm hoạt động bay hiện đại, tiên tiến trong khu vực Châu Á. Phát triển các loại hình hàng không chung đáp ứng được nhu cầu kinh tế - xã hội.

Cục Hàng không Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững cho cộng đồng xã hội; đổi mới triệt để hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức.

Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững trong ngành hàng không dân dụng; tổ chức cuộc vận động đóng góp ý tưởng, sáng kiến của nhân dân góp phần bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững trong ngành hàng không dân dụng.

Các tổ chức chính trị xã hội trong toàn ngành được khuyến khích tham gia, chủ trì xây dựng kế hoạch, làm nòng cốt cho nhiệm vụ tuyên truyền chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững của toàn ngành; tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về chuyển đổi số, phát triển bền vững và nghiệp vụ tuyên truyền cho các đối tượng có liên quan...

Cục Hàng không Việt Nam cũng nêu rõ chủ đề trọng tâm của các năm.

Cụ thể, năm 2024: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 của Cục Hàng không Việt Nam trong mối liên hệ với sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Năm 2025: Chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả và phát triển bền vững của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Năm 2026: Chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ xây dựng hệ thống cảng hàng không, sân bay an toàn, văn minh, lịch sự, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Năm 2027: Chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển bền vững lực lượng vận tải hàng không đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với lực của hệ thống kết cấu hạ tầng, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN.

Năm 2028: Chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Học viện hàng không Việt Nam trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu về hàng không trong khu vực và cơ sở nghiên cứu khoa học hàng không có uy tín tại Việt Nam.

Năm 2029: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, quy định... về chuyển đổi số gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững trong toàn ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Năm 2030: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

Các tin khác