Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm

(ĐTTCO)-Rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ thứ nhất, gói hỗ trợ thứ hai - nếu được thông qua - cần được thiết kế có trọng tâm, trọng điểm, thậm chí “đo ni đóng giày” cho một số doanh nghiệp cụ thể. Đó là quan điểm được ông ĐỖ VĂN SINH, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi trao đổi với ĐTTC. 
Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đặt mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Ông có thể đánh giá ngắn gọn về việc thực hiện 2 mục tiêu này?
Ông ĐỖ VĂN SINH: - Như chúng ta đều nhận thấy, nhiệm vụ phòng chống dịch cho đến giờ phút này rất thành công. Về kinh tế, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (ước đạt trên 2-3%), có thể coi là điểm sáng trong khu vực và thế giới.
Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Dù gặp khó khăn, công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng tăng 4,6%.
Một số nhóm ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn với bối cảnh mới. Nông nghiệp cũng phát triển, xây dựng nông thôn mới về đích trước 1,5 năm. Công tác điều hành tài chính tiền tệ cũng hợp lý. Lãi suất điều hành đã 3 lần giảm trong 9 tháng để kích thích kinh tế. 
Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; giảm nghèo đi vào thực chất hơn… Tất nhiên, cũng có một số vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, nhưng nhìn chung, có thể coi chúng ta đã đạt được mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra.
Hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm ảnh 2 Ngành du lịch, dịch vụ, lữ hành là một trong những nhóm doanh nghiệp phải hỗ trợ.
- Nhưng thưa ông, nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết họ vẫn chưa thể tiếp cận được. Ông nghĩ sao về thực tế này? 
- Đây đúng là một trong những vấn đề cần điều chỉnh như tôi vừa đề cập đến. Quan sát việc triển khai gói hỗ trợ trực tiếp, tôi thấy những đối tượng chính sách có sẵn tên tuổi cụ thể (hộ nghèo, cận nghèo, người có công…) đã nhận được hỗ trợ, nhưng với người lao động tự do bị mất công ăn việc làm, việc tiếp cận rất khó khăn, phải đi lại rất nhiều, thậm chí phải mất chi phí.
Với khoản tiền cho doanh nghiệp vay, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% trong gói 16.000 tỷ đồng.
Số tiền này được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng theo tôi biết, cho đến nay cũng chưa có doanh nghiệp nào được nhận. Doanh nghiệp rất khó khăn mà tiền có nhưng lại không giải ngân được là điều rất đáng suy nghĩ.
Về số tiền hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, tôi cho rằng không lớn và cần có thêm các gói hỗ trợ. Thế nhưng, số tiền không lớn nhưng vẫn chưa giải ngân được.
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi nguồn thu đang rất eo hẹp, cần phải làm mọi cách để cho doanh nghiệp sống, sản xuất ra của cải vật chất, có lợi nhuận thì chính sách giảm thuế mới có giá trị. Vì thế, việc chúng ta giảm thuế 30%, nhưng doanh nghiệp không tồn tại giảm cũng chẳng có ý nghĩa gì.
- Vậy chỉ nên hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng hồi phục? 
 Rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ thứ nhất, là trước khi quyết định quy mô của gói hỗ trợ, chúng ta cần xác định được các lĩnh vực và đối tượng cần hỗ trợ, kinh phí cần hỗ trợ, rồi cân đối với năng lực ngân sách.
- Chính sách của chúng ta đảm bảo bình đẳng, để mọi doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí đều được vay. Nhưng do tiêu chí chưa phù hợp, người bị ảnh hưởng không tiếp cận được.
Cần lưu ý đây mới chỉ là chính sách hỗ trợ để cứu vãn tình thế lúc khó khăn, không để “vỡ” doanh nghiệp, người lao động mất công ăn việc làm. Gốc rễ của vấn đề là phải đảm bảo để doanh nghiệp sống được, tự nuôi được mình và người lao động và khi có cơ hội thì tiếp tục phát triển. Tôi cho rằng, thời gian tới, chúng ta sẽ cần những gói khác để kích thích sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ hội dịch Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt ở Việt Nam. 
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ thứ nhất, là trước khi quyết định quy mô của gói hỗ trợ, chúng ta cần xác định được các lĩnh vực và đối tượng cần hỗ trợ, kinh phí cần hỗ trợ, rồi cân đối với năng lực ngân sách.
Thu ngân sách đang khó khăn, nên cũng phải có trọng tâm, thậm chí với một số tập đoàn, doanh nghiệp trọng điểm phải có cơ chế riêng.
- Theo ông, có thể lựa chọn doanh nghiệp trọng điểm nào để hỗ trợ và ý ông đang nói đến việc Chính phủ đang tính toán “bơm” vốn cho Vietnam Airlines? 
- Theo tôi biết, đề án “bơm” vốn cho Vietnam Airlines đang được xem xét. Vừa qua, hàng không thua lỗ là do yếu tố khách quan, song có thể hồi phục khá tốt thời gian tới.
Các nước trên thế giới đều đã dành cho các hãng hàng không của nước mình những khoản hỗ trợ lớn. Bên cạnh đó là du lịch dịch vụ. Tôi biết nhiều địa phương cũng đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm giá vé, giảm phí…
Cho đến nay, gói hỗ trợ thứ hai vẫn chưa thiết kế xong. Giải pháp tạo nguồn vẫn phải là tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và Chính phủ có thể phát hành trái phiếu. Nguồn tiền gửi tiết kiệm trong các ngân hàng vẫn nhiều, cho thấy khả năng phát hành trái phiếu chính phủ thành công. Trong bối cảnh  này thì nên ưu tiên vay trong nước.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác