DN gánh chịu nhiều cú sốc
Nền kinh tế toàn cầu đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Sự thu hẹp sản xuất của DN thể hiện rõ thông qua mức tăng trưởng tín dụng. Bình quân hàng năm tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) từ 14-18%, và nền kinh tế có đặc điểm quan trọng là muốn tăng trưởng kinh tế phải tăng trưởng tín dụng.
Nền kinh tế toàn cầu đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử, và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Sự thu hẹp sản xuất của DN thể hiện rõ thông qua mức tăng trưởng tín dụng. Bình quân hàng năm tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng (NH) từ 14-18%, và nền kinh tế có đặc điểm quan trọng là muốn tăng trưởng kinh tế phải tăng trưởng tín dụng.
Có nghĩa, muốn làm ăn phải đi vay. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng tín dụng chỉ 5,12% trong gần 9 tháng. Điều này cho thấy có sự đình trệ trong sản xuất và đầu tư rất lớn.
Giữa tháng 9-2020, NH Thế giới và Tổng cục Thống kê cũng đã công bố một nghiên cứu thực hiện hồi tháng 6 đối với 500 DN của 15 tỉnh thành ở 3 góc độ, gồm DN hoạt động như thế nào trước Covid-19; DN bị tác động như thế nào bởi dịch Covid-19 và gói hỗ trợ của Chính phủ có đóng góp vào sự hồi phục của DN không.
Theo báo cáo, hầu hết DN đều cho rằng họ chịu tác động rất mạnh do Covid tạo ra cú sốc phi truyền thống, đặt ra bài toán không bất kỳ nhà kinh tế học hay Chính phủ nào biết cách giải trước. Đặc biệt, các nước đang phát triển có quá ít kinh nghiệm để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19, nên hầu hết chính phủ đều chọn đóng cửa nền kinh tế.
Cụ thể về phía cung, Việt Nam là nước gia công nên việc đóng cửa biên giới, phong tỏa nền kinh tế khi dịch bệnh diễn ra sau Tết Nguyên đán, kéo theo lượng nguyên liệu tồn kho hạn chế. Điều này khiến DN buộc phải hoạt động cầm chừng, cho lao động nghỉ việc bớt vì vừa phải đảm bảo cho cỗ máy sản xuất không ngừng, vừa phải giãn cách lao động để chống dịch theo yêu cầu của Chính phủ.
Về phía cầu, tâm lý bi quan của người dân dẫn đến chọn hành động thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa vì không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, DN còn chịu cú sốc về tài chính, tăng trưởng tín dụng rất thấp, tiếp cận nguồn vốn khó khăn, các NH đều siết chặt điều kiện cho vay để đảm bảo an toàn vốn.
Đến tháng 7 khi tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, 81% số DN đã hoạt động trở lại. Nền kinh tế Việt Nam như người bệnh vừa ốm dậy, lấy hết sức để hồi phục sau cơn bạo bệnh. Nhưng việc cách ly lần thứ 2 ở Đà Nẵng lại giáng thêm đòn tiếp theo lên cơ thể người bệnh.
Dù vậy, cách hành động của Chính phủ hồi tháng 7 rất sáng suốt. Chính phủ rút kinh nghiệm việc cách ly lần 1 nên lần 2 chỉ cách ly cục bộ, khiến nền kinh tế không rơi vào sụp đổ. Trong quý I và II, GDP đã sụt giảm liên tục nhưng đến quý III tăng trưởng 2,62%.
Nói mô hình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ diễn ra theo mô hình chữ V, và điều này sẽ được xác nhận khi số liệu quý IV được công bố. Nếu tăng trưởng kinh tế quý IV cao hơn quý III, chúng ta có thể vượt qua suy thoái và không bị chìm vào vùng tăng trưởng âm.
Đương nhiên trong đó cũng có nỗ lực từ phía DN. Đã có những DN ứng phó bằng cách thu hẹp lao động, sản xuất và hoạt động. Nhưng cũng có đến 50% DN nghĩ đến việc chuyển đổi số để thích ứng với điều kiện mới hậu Covid-19. Covid tạo ra sức ép để thay đổi và kinh tế số, chuyển đổi số là một trong những điều DN đã lựa chọn.
Cần chiến lược để nâng cao sức đề kháng
Cần chiến lược để nâng cao sức đề kháng
DN hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn và mong đợi thêm các chính sách từ Chính phủ. Đầu tiên là chính sách miễn và giảm thuế, vì Chính phủ chưa bao giờ nói giảm và miễn thuế, chỉ nói cho nộp chậm.
Chính phủ cho rằng DN phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, trong khi DN kiến nghị đã hỗ trợ phải miễn, còn giảm hoặc dời hạn nộp không đáp ứng được. Đó là sự vênh giữa chính sách và nhu cầu của DN.
Ngoài ra, DN còn mong đợi được cho vay ưu đãi, được trợ cấp trực tiếp tín dụng hoặc lương thưởng cho người lao động. Phần lớn DN đang cho rằng họ không đủ điều kiện để hưởng được những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, thủ tục quá rườm rà để tiếp cận hỗ trợ cũng là rào cản rất lớn ảnh hưởng sự hồi phục của DN.
Nhìn chung những chính sách của Chính phủ có tính chu kỳ. Có nghĩa đây là những hành động Chính phủ thực hiện trong ngắn hạn và lặp đi lặp lại để giúp nền kinh tế không rơi vào những khó khăn tương tự trong tương lai.
Nhưng về chính sách dài hạn, Chính phủ cần “đốt nóng” các động cơ phục hồi để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19, giúp nền kinh tế nâng cao sức đề kháng, chống chọi với cú sốc tương tự như Covid trong thế giới tương lai đầy bất ổn hơn.
Ngược lại, DN cần kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản; tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả; tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giãn, hoãn thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, tái cấu trúc các khoản vay.
DN cần chủ động áp dụng nền tảng số và các mô hình mới trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý; đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, nâng cao tính chủ động và linh hoạt; tìm kiếm và mở rộng các kênh đầu tư và kênh huy động vốn… Đây là các chiến lược DN cần hướng đến để thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19.
Hậu Covid-19, nền kinh tế thế giới sẽ xuất hiện 5 xu hướng tác động lên môi trường kinh doanh của DN: Các nền kinh tế sẽ ngập lụt trong tiền và nguy cơ khủng hoảng nợ công rất cao; Sự gãy đổ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự quay đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Làn sóng nội địa hóa và bảo hộ sẽ trỗi dậy, khả năng toàn cầu hóa sẽ thoái trào và bước vào một kỷ nguyên mới của quá trình toàn cầu hóa; Thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên mới hậu Covid gồm trật tự về thương mại, kinh tế và chính trị; Cuộc khủng hoảng lương thực và nạn đói đe dọa an ninh toàn cầu.