Với việc diễn biến dịch trên thế giới, trong nước vẫn còn phức tạp, gói hỗ trợ này sẽ góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2020, một chuyên gia về thuế cho rằng để hỗ trợ hiệu quả, đến đúng địa chỉ cần phân loại DN theo các tiêu chí hợp lý, tránh tràn lan, không đúng mục tiêu, trọng điểm, lãng phí nguồn lực.
Tuy nhiên, dự thảo lại có một số điểm chưa hợp lý. Chẳng hạn, đồng nhất một chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế cho tất cả đối tượng. Quy định này chưa thực sự phù hợp, bởi lẽ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và triển vọng hồi phục của các nhóm DN khác nhau. Một số nhóm DN nên được hưởng thời gian gia hạn dài hơn, thí dụ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng được kéo dài tối đa 9 tháng (nhưng không vượt quá tháng 12-2021). Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính có thể cân nhắc chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 ở mức độ rất nặng, không có triển vọng hồi phục tốt trong ngắn hạn. Nhóm 2 là các DN bị ảnh hưởng ở mức độ nặng nề khác nhưng không thuộc nhóm 1.
Theo dự thảo, DN được hỗ trợ tiền thuế và thuê đất là các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia từng kiến nghị tại các hội thảo về chủ đề này, chính sách hỗ trợ cần cân nhắc, bổ sung đối tượng là DN quy mô vừa. Bởi lẽ, nhóm DN vừa cũng chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), tỷ lệ DN quy mô vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch tương đương tỷ lệ của DN quy mô nhỏ, ở trên cả 3 khía cạnh hàng hóa, dịch vụ do DN tạo ra bị sụt giảm nhu cầu; nguồn cung ứng đầu vào suy giảm; giảm tính thanh khoản của tài sản hoặc sự sẵn có của dòng tiền.
Các DN vừa ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu DN. Nhóm DN này có thể phát triển thành quy mô lớn trong trung hạn, tận dụng tốt hơn đổi mới công nghệ và mang lại năng suất cao hơn so với nhóm DN nhỏ. Tuy nhiên, số lượng DN vừa ở Việt Nam tương đối ít (21.306 DN, chiếm 3,5% tổng số DN - theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2020). Do đó, cần thiết phải có chính sách bảo vệ và hỗ trợ nhóm DN này trước tác động của đại dịch, giúp họ có thể tồn tại và phát triển quy mô hơn trong tương lai.
Mặt khác, thực tế triển khai thực hiện chính sách thuế năm 2020 cho thấy không gian chính sách vẫn còn tương đối rộng rãi. Tính đến ngày 30-7-2020 (ngày cuối cùng thực hiện chính sách) tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn 53.645 tỷ đồng, chiếm 29% tổng số tiền dự tính (182.000 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp do không phải DN nào cũng có nhu cầu hoặc có thể tận dụng được các chính sách thuế. Vì vậy, việc hỗ trợ thêm nhóm đối tượng trên có thể không ảnh hưởng đến tổng thể gói hỗ trợ gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của Chính phủ.