
Vai trò chủ đạo nhưng hiệu quả thấp
Hiến pháp nước ta quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng tăng trưởng vốn đầu tư khu vực Nhà nước trong những năm qua có xu hướng giảm, thấp hơn mức tăng trưởng vốn của khu vực ngoài nhà nước và FDI. Trung bình giai đoạn 2010 đến 2015 tăng bình quân khoảng 6,34%, đến giai đoạn 2020-2024 chỉ còn khoảng 2,6%.
Đồng thời, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước trong nền kinh tế có xu hướng giảm, từ 44% năm 2010 xuống còn 27,6% năm 2024. Tỷ trọng vốn đầu tư của DNNN trong tổng vốn đầu tư công có xu hướng giảm mạnh, năm 2010 tỷ trọng này chiếm 43,56%, đến năm 2023 giảm xuống còn 34,43%.
DNNN hoạt động trong nhiều lĩnh vực có nhu cầu ổn định và thiết yếu, nhưng hiệu quả đầu tư thấp. Biểu hiện qua hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR- hệ số cao thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp), cao hơn khu vực kinh tế ngoài nhà nước và FDI. Năm 2023, hệ số ICOR khu vực nhà nước là 6,19, cao hơn khu vực tư nhân 4,9 và FDI 4,67.
Thông thường, DN lớn sẽ có hiệu quả hơn DN nhỏ, và DNNN chủ yếu là các DN lớn, nhưng hiệu quả đầu tư thấp hơn khu vực ngoài nhà nước. Đây là một ẩn số cần tìm lời giải để thúc đẩy DNNN phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Nghịch lý bắt nguồn từ cơ chế, đó là thủ tục đầu tư của DNNN chịu sự buộc chặt trong các quy định về quản lý vốn nhà nước. Theo Quyết định số 929 của Thủ tướng Chính phủ, DNNN tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, điều tiết nền kinh tế và ổn định vĩ mô.
Với tinh thần đó, các DNNN buộc phải thoái vốn trong một số lĩnh vực theo yêu cầu, không gian hoạt động co cụm vào các hoạt động định hướng trên. Từ đó DNNN không có cơ sở pháp lý đầu tư vào các lĩnh vực có hiệu quả cao, không tận dụng được cơ hội kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, thẩm quyền của cơ quan đại diện sở hữu đối với DNNN vẫn còn chồng chéo. Chẳng hạn, Luật pháp cho phép người đại diện sở hữu trực tiếp được quyết định đầu tư ở mức dưới 50% vốn chủ sở hữu, nhưng quy định nội bộ của cơ quan đại diện sở hữu yêu cầu DNNN phải báo cáo trước khi quyết định đầu tư.
Và mỗi lần xin ý kiến, quá trình phê duyệt, thẩm định này thường kéo dài, đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Việc này khiến tiến độ đầu tư chậm chạp, tăng chi phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn và đôi khi bỏ lỡ các cơ hội thị trường.
Mặt khác, việc lựa chọn nhân sự đại diện sở hữu trực tiếp và người quản lý vốn tại DNNN chưa theo quy luật thị trường, phổ biến là theo cơ chế quản lý chung đối với cán bộ hành chính sự nghiệp. Một số nơi thường điều chuyển nhân sự từ các cơ quan hành chính sang điều hành doanh nghiệp.
Các quy định hiện hành về tuyển chọn nhân sự mang tính hành chính hóa, khó chọn được người phù hợp với yêu cầu kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đồng thời chế độ lương thưởng cho người quản lý cũng chịu nhiều ràng buộc, kém hấp dẫn hơn so với khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Kinh doanh luôn đi kèm với rủi ro, cho dù vốn nhà nước hay tư nhân đều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, luật hiện hành vẫn chưa quy định rõ về xử lý trách nhiệm khi xảy ra rủi ro. Nếu bất cứ rủi ro mất vốn nào cũng truy cứu trách nhiệm cá nhân đối với người đại diện sở hữu, nên sẽ rất khó tạo được động lực dám nghĩ, dám làm vì tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.
Chẳng hạn như hiện nay khá nhiều DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, thậm chí phải dừng hoạt động trong thời gian dài, phát sinh chi phí lãi vay mất khả năng thanh toán nhiều năm. Thế nhưng chưa có hành lang pháp lý cho trường hợp phá sản DNNN.
Thúc đẩy DNNN đổi mới sáng tạo
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 21-3-2025 về nhiệm vụ, giải pháp của DNNN góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Theo đó, yêu cầu DNNN phải phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng, phải nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn với cách tiếp cận thực tiễn, phản ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế diễn biến rất nhanh.
Với yêu cầu đó, đòi hỏi phải có một khung pháp lý phù hợp với từng nhóm lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy người đại diện dám chấp nhận rủi ro để mạnh dạn phát triển.
Thứ nhất, cần xác định vai trò, mục tiêu và cơ chế hoạt động đối với từng nhóm DNNN khác nhau. Có thể chia DNNN thành 3 nhóm, bao gồm: kết cấu hạ tầng, dịch vụ công và thương mại. Theo đó, nhóm DNNN kết cấu hạ tầng có vai trò đảm bảo dịch vụ công với giá hợp lý cho người dân, thúc đẩy kết nối vùng miền.
Nhóm DNNN dịch vụ công tập trung vào giáo dục, y tế, văn hóa với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và chất lượng sống cho người dân. Nhóm DNNN trong lĩnh vực thương mại tham gia cạnh tranh bình đẳng với các DN khác trên thị trường với mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho Nhà nước, đóng góp vào ngân sách.
Thứ hai, đảm bảo tính độc lập, chuẩn mực và minh bạch trong hoạt động của DNNN. Phương châm xuyên suốt là hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của DNNN. Đồng thời phải công khai, minh bạch thông tin về hoạt động tài chính, kinh doanh, quản trị của DNNN cho các bên liên quan, bao gồm cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và công chúng.
Thứ ba, nâng cao tính độc lập cho cơ quan giám sát DNNN có đủ thẩm quyền và nguồn lực, để thực hiện nhiệm vụ giám sát một cách khách quan, hiệu quả. Đặc biệt là xây dựng cơ chế quản lý rủi ro, để làm căn cứ xác định mức độ xử lý trách nhiệm đối với người đại diện. Theo đó, khi người quản lý DN tuân thủ đầy đủ quy định về quản trị rủi ro mà không may gặp phải rủi ro thì có thể chấp nhận, miễn trừ trách nhiệm cá nhân.
Thứ tư, cần cơ chế xác định rõ lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ và lĩnh vực cần thoái vốn. Theo đó quy định rõ vốn nhà nước tập trung cho các lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, an sinh xã hội. Đồng thời cũng chỉ rõ lĩnh vực cần thoái vốn nhà nước.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng sở hữu, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn đảm nhận vai trò đại diện sở hữu. Trong khi luật pháp hiện hành chưa quy định rõ về yêu cầu, điều kiện của cơ quan đại diện sở hữu. Do vậy, các đề xuất đầu tư phát triển của DNNN thường chậm giải quyết, lỡ mất cơ hội kinh doanh.