Có một sự thật bị bỏ qua trong tất cả các cảnh báo về việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ, đó là nhu cầu tại Mỹ đang lớn hơn bao giờ hết.
Số liệu của Bloomberg cho thấy các quỹ tương hỗ trong nước đang mua lượng trái phiếu chính phủ kỷ lục trong năm nay. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của Mỹ cũng nâng thị phần của mình trên thị trường trị giá 12,9 nghìn tỷ USD lên lần đầu tiên kể từ năm 2012.
Hoạt động mua vào của nhà đầu tư Mỹ là yếu tố quan trọng góp phần duy trì chi phí tài chính của Mỹ khi Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của Mỹ - đang giảm thị phần của họ lần đầu tiên kể từ năm 2001.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã giảm xuống dưới mức 2% vào tuần trước, gây ngạc nhiên cho hầu hết mọi người.
Mỹ không dễ bị tổn thương trước động thái của Trung Quốc như dự báo từ trước. Nhưng việc người Mỹ đổ tiền vào trái phiếu có thể thể hiện một nỗi lo ngại sâu sắc hơn: nền kinh tế lớn nhất thế giới không đủ vững mạnh để Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất.
Một chuyên gia tại RBC Global Asset Management cho rằng các nhà quản lý tài sản sẽ mua vào trái phiếu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu, lạm phát và lãi suất đang không có tín hiệu tích cực.
Chủ nợ nước ngoài
Các chủ nợ nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong vấn đề trái phiếu của Mỹ khi quốc gia này phải đi vay rất nhiều để kéo nền kinh tế khỏi suy thoái. Từ năm 2008, các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gấp hơn 2 lần khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ và hiện đang sở hữu khoảng 6,1 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất khi họ chi hàng trăm tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ và họ mua đồng USD để hạn chế đà tăng của đồng Nhân dân tệ.
Nhưng điều đó giờ đang thay đổi.
Trong riêng năm nay, Trung Quốc đã bán ròng 200 tỷ USD giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ do họ cần tiền để hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang sa sút. Nếu tiếp tục đà này, đây sẽ là năm đầu tiên Trung Quốc bán ròng trái phiếu Mỹ.
Việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ làm dấy lên những lo ngại về khả năng Mỹ sẽ huy động vốn như thế nào. Nó cũng khơi lại những mối quan ngại lâu nay của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ khi họ cho rằng khoản trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ là mối đe dọa tới sự độc lập của nước này.
Chủ nợ trong nước
Nhu cầu trái phiếu trong nước cho thấy Mỹ không có lý do gì phải lo lắng.
Các quỹ của Mỹ đã mua 42% trong số trái phiếu có trị giá 1,6 nghìn tỷ USD được chào bán từ đầu năm nay – con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Mới năm 2011, các quỹ này chỉ mua khoảng 18%.
Sau khi chạm đáy vào giữa năm 2014, thị phần nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của các nhà đầu tư nước này đã tăng lên 33,1%.
Con số 2,1% tăng thêm từ giữa năm 2014 đến năm 2015 có vẻ không nhiều nhưng mức tăng này đã đẩy tổng lượng trái phiếu chính phủ mà người Mỹ nắm giữ lên 4,3 nghìn tỷ USD – cao nhất từ năm 2012.
Lo ngại không có cơ sở
Một chuyên gia trái phiếu của CRT Capital Group đánh giá rằng những lo ngại về việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ là không có cơ sở bởi mọi người đã sẵn sàng ứng phó với hành động đó.
Nhu cầu cao của người Mỹ đối với trái phiếu của nước mình đang giữ cho chi phí tài chính của Chính phủ Mỹ ở mức thấp. Điều đáng lo ngại là sức khỏe của nền kinh tế số một thế giới.
Chắc chắn Mỹ đang tạo thêm công ăn việc làm, nhưng một loạt chỉ báo đáng thất vọng, từ sản xuất cho tới bán lẻ, đều cho thấy người tiêu dùng đang thu hẹp phạm vi mua sắm.
Tiền lương của rất nhiều người Mỹ không tăng. Kể từ sau cuộc suy thoái 2008, lương trung bình đã tăng ít nhất trong tất cả các đợt phục hồi kể từ những năm 1960. Do lương không tăng, nên lạm phát vẫn dai dẳng ở mức thấp.
Áp lực lạm phát
Số liệu cho thấy các quỹ của Mỹ đang nhắm tới trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 30 năm - loại trái phiếu dễ bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng và lạm phát nhưng cũng mang lại mức sinh lãi cao nhất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang định giá trái phiếu với khả năng tỷ lệ lạm phát dưới mức 2% như FED đã đặt ra cho thập kỷ tới.
Lợi suất của loại trái phiếu chủ chốt kỳ hạn 10 năm đứng ở mức khoảng 2,04% hôm 19/10, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với cuối năm 2013.
Trong khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế cho rằng có 15% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2013.
Các nhà đầu tư tại Mỹ đang đưa ra quyết định dựa trên dự báo này.
Điều đó cũng ám chỉ FED có thể suy nghĩ lại về sự cần thiết của việc sớm tăng lãi suất. Tuy chủ tịch FED – bà Janet Yellen – cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng đủ để có thể nâng lãi suất vào cuối năm nay, nhưng các nhà đầu tư vẫn hoài nghi. Họ dự báo có 32% khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2015 và hơn 50% là vào tháng 3/2015.