Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, hiện nay nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm sâu đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, do quá trình phục hồi của nền kinh tế còn nhiều yếu tố bất định do đó lực đẩy trên thị trường vẫn còn yếu.
Do vậy, trong giai đoạn tới, thị trường chứng khoán (TTCK) cần tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao sức chịu đựng của thị trường trước các yếu tố bên ngoài để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
Trước mắt, cần tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.
Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường, đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng.
Đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market) theo đánh giá của MSCI và FTSE. Song song với đó, cần đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ…
Đối với thị trường tiền tệ, Nhà nước nên tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các hoạt động khởi nghiệp trong môi trường vốn rẻ. Việc duy trì lãi suất thấp và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất qua đó cũng sẽ giảm áp lực lên lạm phát khi nền kinh tế đang hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp có thể giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) đang thiếu vốn có điều kiện thuận lợi tăng vốn đáp ứng các yêu cầu đủ vốn theo nguyên tắc Basel II.
Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp có thể giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) đang thiếu vốn có điều kiện thuận lợi tăng vốn đáp ứng các yêu cầu đủ vốn theo nguyên tắc Basel II.
Để làm được điều này, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một mặt cần duy trì môi trường lãi suất thấp, mặt khác cũng cần phải củng cố uy tín, độ tin cậy của NHNH trong việc bảo vệ ổn định giá cả và điều hành chính sách tiền tệ.
Thực tế cho thấy, khi các NHTM đều áp dụng chung chuẩn mực quản lý rủi ro thì mặc dù thanh khoản dư thừa nhưng tín dụng không thể ra ồ ạt (do các khoản cấp tín dụng phải đáp ứng đủ các chuẩn mực mới có thể thực hiện), do đó áp lực lên lạm phát là thấp.
Đơn cử như trong những năm gần đây, dù hàng loạt trung ương (NHTW) áp dụng lãi suất tiệm cận 0% nhưng lạm phát hầu như không tăng và thậm chí còn nằm dưỡi ngưỡng mục tiêu 2%.
Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước, sự chuyển dịch của chuỗi giá trị sản xuất vào Việt Nam, cán cân vãng lai vẫn tiếp tục xu hướng thặng dư, thậm chí thặng dư lớn.
Do đó áp lực lên giá đồng VNĐ là rất lớn, đòi hỏi NHNN phải tiếp tục mua dự trữ ngoại hối để ổn định đồng tiền, nhất là trong bối cảnh bị phía Mỹ luôn đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả đối với những nước bị xem là thao túng tiền tệ. Cân bằng được hai áp lực này là thách thức lớn đối với NHNN, song đây cũng là điều kiện thuận lợi để cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn, chấp nhận một biên độ lên giá nhất định của đồng VNĐ.
Ở khía cạnh khác, môi trường lãi suất thấp cũng khuyến khích các hoạt động đầu cơ vào thị trường bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán và có thể tạo ra các “bong bóng tài sản”, tiềm ẩn bất ổn trong tương lai.
Do đó, cùng với các chính sách duy trì lãi suất thấp, Chính phủ cũng cần phải có các giải pháp đồng bộ để thực hiện kiểm soát thị trường BĐS, tránh để thị trường phát triển quá nóng.