Đối với nhãn hiệu, hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ mới bảo hộ các nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được. Để phù hợp với xu hướng bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới, chúng ta cần từng bước mở rộng phạm vi bảo hộ sang các nhãn hiệu không nhìn thấy được như âm thanh, mùi hương... Hiện nhiều nước trên thế giới đã bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống này.
Đối với sáng chế, hiện pháp luật Việt Nam bảo hộ 2 loại là sáng chế dạng sản phẩm và dạng quy trình. Trong khi các nước phát triển bảo hộ cả sáng chế dạng sử dụng (là những giải pháp đã được biết đến, nếu chúng được sử dụng theo cách mới hoặc phương pháp, quy trình sử dụng mới một sản phẩm đã được biết đến).
Đối với kiểu dáng công nghiệp, pháp luật Việt Nam hiện chỉ bảo hộ kiểu dáng tổng thể bên ngoài của sản phẩm chứ không bảo hộ kiểu dáng được chứa đựng trong một phần sản phẩm.
Để thực thi quyền SHTT một cách hiệu quả, Luật SHTT Việt Nam cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để quy định chế tài đủ mạnh đối với hành vi xâm phạm.
Về chế tài dân sự, ngoài việc buộc bồi thường thiệt hại thực tế và lợi nhuận của bên xâm phạm, cần có quy định về bồi thường thiệt hại theo luật định trong những trường hợp khó xác định thiệt hại và mức bồi thường này phải đủ lớn để bảo đảm tính răn đe. Đối với hành vi xâm phạm cố ý thì tòa án cần có quyền buộc bên xâm phạm phải trả một khoản tiền bồi thường bổ sung, bao gồm cả khoản bồi thường mang tính chất trừng phạt, răn đe.
Trong khi đó, Điều 205 Luật SHTT Việt Nam chỉ quy định một cách chung chung là mức bồi thường thiệt hại về vật chất do tòa án ấn định, nhưng không quá 500 triệu đồng và không quy định về việc tòa án có quyền tăng mức bồi thường với hành vi xâm phạm cố ý.
Về chế tài hình sự, cần từng bước hình sự hóa một số hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015 chỉ có 2 điều (225 và 226) quy định về “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” và “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” với rất ít loại hành vi.
Trong khi ở một số hiệp định thương mại tự do lại yêu cầu các nước thành viên quy định trách nhiệm hình sự với nhiều hành vi xâm phạm quyền SHTT, như cố ý giả mạo nhãn hiệu, cố ý nhập khẩu/xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo…
Chính vì thế, đây là những vấn đề Việt Nam cần lấy ý kiến bổ sung khi sửa đổi Luật SHTT, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào tháng 6-2022.