Hoàn thiện thể chế thị trường tài chính

(ĐTTCO)-Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển kinh doanh Việt Nam 2020, TS. CẤN VĂN LỰC, chuyên gia tài chính NH, nhận định:
Hiện thống NH ngày càng lành mạnh, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tăng vốn.
Hiện thống NH ngày càng lành mạnh, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tăng vốn.
Tôi cho rằng thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam năm 2019 ở 3 lĩnh vực ngân hàng (NH), chứng khoán và bảo hiểm phát triển tích cực và khả quan. Bình quân quy mô thị trường tăng trên 12% cho cả 3 lĩnh vực theo hướng lành mạnh, chuẩn mực tốt hơn và phù hợp thông lệ quốc tế hơn. Giá cổ phiếu của ngành NH, bảo hiểm trên sàn chứng khoán tăng khoảng 17%, cao hơn mức bình quân của thị trường là 7,7%. 

Khả năng chống đỡ tốt hơn
Lĩnh vực chứng khoán năm 2019 cũng đã sàng lọc hơn và ngày càng có nhiều doanh nghiệp huy động nhiều hơn từ thị trường chứng khoán. Huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 250.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018; phát hành qua kênh thị trường cổ phiếu khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước.
Lĩnh vực NH tín dụng tăng 13,7%, mức tăng tương đối phù hợp trong bối cảnh chúng ta đang muốn giảm dần quy mô tín dụng tương đối lớn và muốn tăng chất lượng, hiệu quả của tín dụng. 
Đánh giá toàn bộ TTTC trên 9 tiêu chí do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố tháng 10-2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc so với năm trước, từ thứ 70 lên thứ 60 trong số 141 quốc gia được đánh giá. Thể chế như Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi đã được thông qua, đặc biệt NHNN đã có những thông tư quan trọng liên quan đến lãi suất, nắn dòng vốn tín dụng.
Năm 2019, sự ổn định kinh tế vĩ mô có đóng góp quan trọng của TTTC-NH. Việc phối hợp chính sách tiền tệ với tài khóa cũng đã nhuần nhuyễn hơn so với trước, đảm bảo mức lạm phát rất thấp 2,79%.
Thêm vào đó, gối đệm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế với bên ngoài đã tốt hơn nhiều, thể hiện qua năng lực của thị trường và các định chế tham gia trên thị trường tốt hơn, cũng như qua mức dự trữ ngoại hối đạt 79 tỷ USD, tương đương 3,7 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Mức này chưa phải là cao nhưng là mức kỷ lục trong thời gian vừa qua. Tỷ giá tiếp tục ổn định, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,45% so với đầu năm.
Lãi suất liên NH năm qua nhìn chung ổn định với xu hướng đi xuống là chủ yếu. Lãi suất cho vay cơ bản ổn định, lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ trong 10 tháng đầu năm và đồng loạt giảm nhẹ sau động thái hạ trần lãi suất huy động của NHNN vào tháng 11. Tín dụng tăng 13,7%, là mức tăng trưởng tương đối tích cực.
Bước điều chỉnh lại trong nhịp tăng trưởng tín dụng năm 2019 được đánh giá là cần thiết sau những năm tăng trưởng nóng, với mức tăng bình quân 15-16%/năm và tỷ lệ tín dụng/GDP lên đến 133% cuối năm 2018 (tương đối cao so với quy mô của nền kinh tế cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế). 
Chất lượng của hệ thống tài chính NH cũng được phát triển tốt lên. Nợ xấu nội bảng trên bảng cân đối kế toán của các NHTM 1,89% vào cuối năm 2019, nợ xấu gộp khoảng 4,6%. NHNN và Chính phủ muốn đẩy tỷ lệ này xuống 3% vào năm 2020 là khả thi. Hệ thống NH hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn, chuẩn mực hơn và tiệm cận thông lệ quốc tế.
Đến nay đã có 18 NHTM được NHNN công nhận đáp ứng chuẩn Basel II về tỷ lệ an toàn vốn. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22/2019 theo hướng căn chỉnh dòng vốn tín dụng đối với thị trường bất động sản lành mạnh hơn, sát nhu cầu thực và quản lý thanh khoản hệ thống tín dụng chặt chẽ hơn (giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% từ ngày 1-10-2022).

Nhưng thách thức vẫn còn phía trước
 Khẩn trương hoàn thiện thể chế, giúp TTTC 2020 tích cực và lành mạnh hơn, qua đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó cũng có những thách thức. Cụ thể, TTTC vẫn còn mất cân đối, khu vực tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản hệ thống và đảm nhận cả vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản tín dụng (do quy mô tín dụng khá lớn và gần 50% nguồn vốn trung và dài hạn vẫn từ hệ thống TCTD). 
Hiện cũng chưa có nghị định về thị trường mua bán nợ trong bối cảnh cần đa dạng hóa nhà đầu tư, định chế tài chính nhằm phân bổ rủi ro hợp lý hơn. Một số vướng mắc liên quan đến việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn, cách hiểu và áp dụng khác nhau trong công tác xét xử, thi hành án theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, khiến tiến trình xử lý nợ xấu, đấu giá tài sản đảm bảo còn nhiều khó khăn.
Các NHTM vẫn gặp khó khăn trong tăng vốn. Hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống vẫn chưa đạt chuẩn an toàn. Từ năm 2020, khi các NHTM phải tuân thủ Thông tư 41/2016 của NHNN, hệ số CAR cần tính toán đầy đủ theo Basel II, hệ số CAR của các NHTM sẽ thấp hơn nhiều. Trong khi đó, nhiều NH lại đối mặt với những thách thức lớn trong tăng vốn.
Năm 2020, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính, trong đó tập trung ban hành nghị định về thị trường mua bán nợ, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đặc biệt cần thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn chủ sở hữu cho các NHTM, nhất là NH có sở hữu nhà nước chi phối, giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, cho phép giữ lại cổ tức, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. 
Việc cần làm nữa là xây dựng cơ chế lâu dài về biện pháp tăng vốn cho các NHTM (thay vì xem xét từng năm) nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính. Chúng ta cũng cần có khung chính sách và biện pháp cụ thể nhằm hạn chế rủi ro hệ thống, tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính đối với các cú sốc bên ngoài (nhất là tăng dự trữ ngoại hối, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế…).
Cát Tường (ghi)

Các tin khác