Người dân đánh giá sự hài lòng về cải cách hành chính tại UBND quận 4, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Riêng về cải cách thủ tục hành chính, đây là khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Tính từ đầu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 11-2020 đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 6.300 tỷ đồng/năm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, CCHC đạt kết quả nhiều mặt trong 10 năm qua, góp phần vào những thành công của đất nước trên mọi lĩnh vực. Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, như còn tình trạng kêu ca của người dân và doanh nghiệp về việc cán bộ cơ quan hành chính gây khó khăn, chậm trễ, “đá bóng” qua lại giữa các cơ quan. Thậm chí còn tình trạng vòi vĩnh, đòi hối lộ của một số cán bộ. Dù đã giảm biên chế trong bộ máy hành chính nhưng tổng thể vẫn còn cồng kềnh. Việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước còn lãng phí…
Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Điều rất quan trọng trong CCHC là hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh; tăng cường công khai, minh bạch để chống tham nhũng. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay, hoạt động chưa hiệu quả; rà soát chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang các công ty cổ phần, đơn vị tự chủ. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.