Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè là công trình trọng điểm của TPHCM với các con số ấn tượng: Chi phí đầu tư trên 8.600 tỷ đồng (trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 5.252 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng ngân sách TPHCM); mục tiêu giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường thoát nước cho 7 quận nội thành trong lưu vực rộng 32km2, với khoảng 1,5 triệu dân sinh sống; khối lượng giải tỏa bồi thường khá lớn (riêng quận 1 đã 1.540 hộ); thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 nếu kể cả các chuẩn bị ban đầu trên 20 năm.
Đây là một trong các dự án khá thành công của TPHCM kể từ sau ngày thống nhất đất nước, biến một dòng kênh ô nhiễm nặng thành dòng kênh xanh; chỉnh trang các khu vực nhà dân lụp xụp trên kênh thành các tiểu đảo công viên cây xanh và các chung cư văn minh, hiện đại; mở thêm 2 con đường Hoàng Sa - Trường Sa uốn lượn ven kênh, vừa tô điểm cho dòng kênh vừa giải quyết bài toán kẹt xe nội thị.
Quá trình thực hiện dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè không phải là thuận buồm xuôi gió. Khó khăn về vốn, về giải tỏa bồi thường, thậm chí vấn đề năng lực nhà thầu thi công nước ngoài đã gây phiền phức không nhỏ. Thế nhưng, với tâm huyết của lãnh đạo TPHCM cùng sự đồng thuận cao của người dân trong khu vực hưởng lợi, đã dẫn đến thành công vượt mong đợi của dự án.
Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, gồm 2 hạng mục chính: xây dựng 9km tuyến cống bao (đường kính 1,5-3m) để thu gom toàn nước thải sinh hoạt dẫn về trạm bơm công suất 64.000m3/giờ xử lý trước khi thải ra sông Sài Gòn; nạo vét khoảng 1,3 triệu m3 bùn và xây dựng khoảng 16km bờ kè bằng cừ bê tông; xây dựng khoảng 60km cống hộp, cống tròn trên toàn bộ lưu vực; tái lập hơn 200.000m2 diện tích mặt đường nhựa. Sắp tới TP sẽ triển khai dự án vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2, với hạng mục chính xây dựng nhà máy xử lý thải toàn bộ nước thải của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD.
Từ một dòng kênh ô nhiễm nặng, ken dày rác, qua hơn 10 năm cải tạo, tình trạng ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được khắc phục, một dòng kênh xanh đẹp và hữu tình đã hiện hình. Người dân quanh khu vực và khách vãng lai giờ đây có thể đi bộ, tập thể dục, ngồi hóng mát.
Dòng kênh xanh nhìn từ Cầu Kiệu quận 3 (năm 2013). |
Nhà ven kênh khu Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh (năm 2004). |
Thi công cải tạo dòng kênh tại Miếu Nổi, quận Phú Nhuận (năm 2009). |
Thi công nạo vét bùn dưới dòng kênh (năm 2004). |
Dòng kênh dần hồi sinh (năm 2010). |
Người dân TPHCM tận hưởng môi trường xanh bên dòng kênh vào những buổi sáng |
Các đoàn viên thanh niên quận 1 trong ngày chủ nhật xanh. |
Nhân viên môi trường ngược xuôi gom rác trên dòng kênh. |