Hồi sức cho doanh nghiệp: Chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới

(ĐTTCO)-Trong câu chuyện với đại diện các doanh nghiệp, chủ nhiều doanh nghiệp đều bày tỏ ủng hộ những biện pháp ưu tiên phòng chống dịch COVID-19.
May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tuy nhiên, để hạn chế những tổn thất cho khu vực sản xuất, cần sự thống nhất trong triển khai phòng chống dịch giữa các địa phương, khu vực.

Và hiện nay khi Chính phủ thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” doanh nghiệp hy vọng những khó khăn sẽ sớm được gỡ bỏ hoạt động sản xuất sớm về trạng thái bình thường mới.

Phóng viên đã ghi lại một số chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp thời gian qua khi vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Onsen Fuji:

Doanh nghiêp du lịch luôn sẵn sàng

Công ty cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji là doanh nghiệp trẻ trên thị trường và chỉ mới khai trương một số điểm du lịch, nghỉ dưỡng nhưng lại éo le khi mở cửa vào đúng giai đoạn bùng phát dịch bệnh.

Trong giai đoạn đầu tiên, Onsen Fuji gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự chỉ đạo và quan tâm từ Chính phủ, chúng tôi đã áp dụng những biện pháp phòng chống dịch mang tính chất cấp thiết và phù hợp theo từng giai đoạn. Nhờ đó, công ty đã dần dần bình thường hóa lại các hoạt động và thích ứng được với điều kiện thực tế trên thị trường.

Trong suốt thời gian vừa qua, Onsen Fuji vẫn phát triển theo hướng phòng chống dịch an toàn và phát triển kinh tế một cách ổn định, vững chắc. Những yếu tố khó khăn do dịch bệnh là điều doanh nghiệp phải chấp nhận và đối mặt trong thực tế hiện tại.

Với khả năng và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, chúng tôi luôn luôn điều chỉnh và kết hợp với những chính sách của chính quyền địa phương để có những quyết định cũng như định hướng phát triển phù hợp với tình hình chung.

Ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc CTCP May Việt Tiến:

Khó hồi phục trong ngắn hạn

Sau 4 tháng giãn cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, Công ty cổ phần May Việt Tiến (Việt Tiến) đã chi 600 tỷ đồng để trả lương cho lao động. Đó là chưa kể chi phí vận hành nhà máy, điện, nước, bảo trì, test COVID-19…

Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng với phương án sản xuất 3 tại chỗ, công ty chỉ vận hành được 1/3 công suất, dẫn đến việc đáp ứng hợp đồng xuất khẩu chậm trễ, doanh nghiệp bị phạt do chậm giao hàng. Nhiều khách hàng nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam dịch chuyển sang các nhà cung cấp Nam Mỹ.

Đợt ứng phó dịch bệnh COVID-19 kéo dài vừa qua đã đánh mạnh vào nội lực doanh nghiệp. Nhiều chi phí phát sinh nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng đầu tư dù không hiệu quả như mong muốn.

Cho đến nay, người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành mũi 2 và mũi 1 vaccine COVID-19, tăng miễn dịch cộng đồng, nhưng các đơn vị sản xuất của Việt Tiến tại Bến Tre lại chưa được phủ vaccine. Vì vậy, giải pháp gốc rễ để doanh nghiệp cầm cự được vẫn là tiêm vaccine.

Tôi cũng cho rằng các tỉnh, thành phố của khu vực phía Nam cần đồng bộ giải pháp phủ đều vaccine để các mắt xích trong sản xuất được liền mạch.

Để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì sản xuất sau thời gian dài cầm cự ứng phó dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành dệt may nói chung, Công ty cổ phần May Việt Tiến nói riêng rất cần những chính sách hỗ trợ tài chính, vaccine, tạo thuận lợi trong vận chuyển mới có thể dần hồi phục như trước đây.

Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn EDX:

Chuyển đổi số là điều kiện cần thiết để tồn tại

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Tập đoàn EDX. Đó là xưởng sản xuất tóc giả xuất khẩu bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, đơn hàng không giao kịp cho khách hàng quốc tế.

Ở mảng nhập khẩu hàng qua Hệ sinh thái thương mại Alibaba cũng phải tạm ngưng do nhu cầu giảm, việc vận chuyển, logistics bị gián đoạn, giá hàng hoá tăng cao.

Đặc biệt mảng giáo dục đào tạo của EDX bị ảnh hưởng lớn khi sinh viên nghỉ học nhiều tháng, việc tuyển sinh, học tập gặp khó khắn lớn.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo EDX nhận thấy, dịch bệnh COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong một thời gian ngắn, ít nhất là cho đến hết năm nay và rất có thể sẽ kéo dài trong một vài năm tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có giải pháp triệt để, thay đổi để thích nghi với diễn biến phức tạp.

Trước tiên, để không gián đoạn công việc, EDX đã chuyển toàn bộ hoạt động sang online từ làm việc, họp hàng ngày, báo cáo kết quả hoạt động trong ngày, đào tạo đồng thời tận dụng nguồn cộng tác viên online.

Cần khẳng định chuyển đổi số hay thương mại điện tử chắc chắn không phải là lá bài duy nhất cho các doanh nghiệp thích ứng thời dịch bệnh, nhưng nó là điều kiện cần thiết, không thể thiếu được đối với mọi doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại trong thời đại này.

Doanh nghiệp muốn tồn tại, khi dịch bệnh kéo dài thì buộc phải có giải pháp thay đổi một cách đồng bộ trên mọi mặt trận, như tái cấu trúc chiến lược, xây dựng thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, nhân sự online…

Nhận thức điều đó, EDX triển khai thêm dự án xây dựng Hệ sinh thái Blockchain Diamond Network dựa trên nền tảng Substrate- Polkadot và đã nhận được lời đề nghị đầu tư trên 10 triệu USD.

Ngoài ra, EDX cũng mở thêm khóa đào tạo ngắn hạn về Blockchain thu hút được hàng trăm học viên tham dự.

Để gia tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ cán bộ công nhân viên, EDX đã triển khai thêm nhiều dự án tư vấn tái cấu trúc và niêm yết trên sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp, tư vấn mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn cần kiểm soát tốt dịch bệnh, tiêm phủ vaccine để có điều kiện mở cửa nền kinh tế. Sau đó là các giải pháp kích thích doanh nghiệp, lao động phải làm đồng bộ và hiệu quả, như về vốn, lãi suất, tiền thuê đất đai... Thời gian qua, những vấn đề này chưa thực sự chạm được tới doanh nghiệp.

Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Khang An (Khang An Foods) Dương Ngọc Kim:

Mang đến nhiều cơ hội

Doanh nghiệp được thành lập ngay khi làn sóng dịch COVID-19 lần 3 xuất hiện bởi doanh nghiệp thấy rằng dịch tạo ra rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng ngược lại cũng mang đến nhiều cơ hội.

Dịch xảy ra ở nhiều nước trên thế giới đã làm thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Do đó, Khang An Foods chuyên sâu về các mặt hàng phối chế phù hợp với người tiêu dùng ít có thời gian vào bếp.

Với đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, công ty non trẻ bắt đầu cảm nhận được những thách thức thực sự. Khang An Foods đã trải qua 8 tuần tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, rồi thêm 4 tuần sản xuất thu hẹp. Thời điểm đó, số lượng lao động của doanh nghiệp chỉ đáp ứng 30% công suất.

Lần đầu tiên Khang An Foods phải đối mặt với tình trạng tập trung khoảng 700 người lao động ăn ngủ tại công ty, điều đó gây ra áp lực rất lớn. Rất may, doanh nghiệp đã xây dựng thêm một xưởng sản xuất để chế biến hàng giá trị cao, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng Chín.

Thời điểm bắt đầu 3 tại chỗ, xưởng này đã hoàn thành cơ bản phần cứng, nhờ vậy đã có chỗ cho khoảng 700 công nhân ở tại chỗ với đầy đủ điều kiện sinh hoạt chung mà ít có công ty nào có được.

Một điều may mắn nữa là đầu năm, Khang An có nhập về thiết bị PCR với mục đích chủ yếu là để xét nghiệm cho tôm và vùng nuôi tôm.

Trong thời gian này, thiết bị PCR đã được tận dụng để xét nghiệm COVID-19 cho công nhân. Chi phí do Khang An tự test PCR rất rẻ so với test bên ngoài, qua đó doanh nghiệp tổ chức được thường xuyên và sàng lọc một cách kỹ càng.

Trước tình hình chi phí logistics cũng ngày một tăng, doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với khách hàng chấp nhận giao hàng theo phương thức FOB (Free On Board) từ đầu quý 2 đối với những hợp đồng dài hạn. Do đó, thiệt hại của Khang An khi giá cước tàu tăng là rất ít.

Tuy không thể thực hiện giao hàng đúng hạn cho khách hàng, nhưng họ đã có sự thông cảm mặc dù kế hoạch bán hàng của họ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Với sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và chiến lược kinh doanh của KAF, khách hàng không chuyển đơn hàng đi nơi khác.

Chi phí bị đẩy lên cao hơn nhưng đổi lại doanh nghiệp vẫn duy trì được những hợp đồng đã ký với khách hàng, nâng cao hình ảnh và uy tín của công ty.

Đến nay, doanh nghiệp đang trở lại trạng thái bình thường mới và phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm đầu tiên của mình.

Đầu năm nay, Khang An đưa ra kế hoạch đạt doanh thu 50 triệu USD và lợi nhuận 50 tỷ đồng. Nếu không có dịch bệnh, Khang An Foods đủ khả năng để hoàn thành trước kế hoạch. Tính đến hết tháng Chín, chúng tôi đã đạt được 40 triệu USD doanh thu.

Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc CTCP Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương:

Nỗ lực cho các đơn hàng cuối năm

Kể từ khi tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Gỗ Thuận An đã đóng cửa 2 tháng, các đơn hàng đều phải để lại chờ hết thực hiện giãn cách mới hoạt động trở lại.

Hoi suc cho doanh nghiep: Chuan bi cho trang thai binh thuong moi hinh anh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: gothuanan.vn)

Khi nhà máy không hoạt động, Ban lãnh đạo Công ty Thuận An đã phải trao đổi, thương lượng với khách hàng để dời các hợp đồng giao hàng sang các tháng tiếp theo, bởi an toàn trong phòng chống dịch bệnh, chống lây lan rất quan trọng trong thời điểm này. Các khách hàng nước ngoài đã thấu hiểu được những khó khăn trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, nên công ty có thể giữ được hợp đồng.

Hiện Công ty cổ phần chế biến Gỗ Thuận An đã hoạt động trở lại và duy trì sản xuất 3 tại chỗ với 65% tổng số lao động so với trước đây.

Trong quá trình thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, công ty cũng đã tăng thêm chi phí cho việc chăm lo đời sống người lao động, nhưng đều phải nỗ lực thực hiện để đáp ứng các đơn hàng trong những tháng cuối năm năm nay.

Các tin khác