Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam

(ĐTTCO) - Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ là cơ sở tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới
Ngày 5-6, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong tình hình mới” diễn ra tại TPHCM, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức nhằm có căn cứ tham mưu với Ban chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Hơn 600 đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp, cùng lãnh đạo cấp cao nhà nước tham dự diễn đàn. 

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 1Quang cảnh Diễn đàn kinh tế sáng 5-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục; đồng thời cũng mở ra những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào 3 chủ đề chính: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid 19Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản và Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 2Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương trao đổi ý kiến với các đại biểu, doanh nghiệp trước thềm Diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong đó, với phiên họp "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid 19", hội thảo sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng như: giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập; những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, bài học rút ra đối với Việt Nam; vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam; việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19; lao động, việc làm trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới; đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động; phát triển việc làm trong điều kiện nền kinh tế số; vấn đề đổi mới quản trị quốc gia về lao động, đặc biệt chú trọng nhìn thị trường lao động toàn diện, cả lao động chính thức và lao động phi chính thức, trong đó xem xét vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid 19.

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 3Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao đổi với các đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hơn 600 đại biểu tham gia đóng góp quyết sách phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 4Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tham gia diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với phiên họp "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản", các diễn giả sẽ tham luận về các vấn đề xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; Những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp; Giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam và xây dựng và phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế. 

Riêng phiên họp "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng" các tham luận chính sẽ tập trung bàn về các vấn đề đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như: sự phát triển của chuỗi giá trị vượt ra ngoài phạm vi hoạt động sản xuất; định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; kinh nghiệm về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chuyển đổi số và chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; trọng tâm định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; bài học kinh nghiệm thực tiễn ở doanh nghiệp sản suất nông nghiệp Việt Nam về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong ngày hôm nay sẽ là cơ sở tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới. 

Các tin khác