Tập hợp - hỗ trợ - hồi phục - tích tụ sức mạnh doanh nghiệp đi cùng khai thác kinh nghiệm, tiếp nhận đóng góp, tháo gỡ cơ chế, đồng hành tìm kiếm, mở rộng nguồn nguyên liệu, đơn hàng, thị trường…, không dừng lại ở những cái bắt tay có tính xã giao mà là một “cuộc cộng sinh” sống còn cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp lớn làm chủ lực với vai trò, năng lực quản trị của cơ quan nhà nước.
Bước vào quý 1-2023, những tác động từ quý 4-2022 đã khiến đà tăng trưởng chậm lại, làm suy giảm cung lẫn cầu, thể hiện qua sức tiêu dùng giảm ngay trong dịp Tết Nguyên đán, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh (15%) so với cùng kỳ. Đáng lo ngại là trong tháng 1-2023, có tới 10.546 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể (tạm ngưng 10.255 doanh nghiệp và giải thể 291 doanh nghiệp), trong khi chỉ có 2.536 doanh nghiệp thành lập mới và 3.235 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỷ lệ này đang ở mức 1,83 lần, nghĩa là có 1 doanh nghiệp thành lập mới thì có gần 2 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
Những yêu cầu nêu ra của người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng chính là hành động mang tính cấp bách, kích hoạt đồng bộ nhiệm vụ cho cả hệ thống chính quyền, sở ngành. Cụ thể, với chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”, thành phố đã cho thấy những chuyển động đầu tiên trong việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), khắc phục ngay một số điểm yếu mà kết quả bước đầu là tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của thành phố; chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022 (dự kiến cuối tháng 3-2023 sẽ công bố kết quả đánh giá), thành phố đang phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành xây dựng Đề án trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM nhằm bổ sung hoàn thiện hơn Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Các thành phần kinh tế với tư cách chủ thể và cũng là khách thể thụ hưởng các thay đổi tích cực về chính sách, các chương trình kích cầu và hội nhập. Từ nhiệm vụ chiến lược như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với phương châm làm quyết liệt ngay từ đầu, không “đủng đỉnh”, không để “nước đến chân mới nhảy”, góp phần tăng tiêu dùng và doanh nghiệp phát triển cho đến hàng loạt giải pháp hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp, ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%, giảm thuế VAT, thông qua các mạng lưới thúc đẩy kết nối cung cầu, tìm đối tác đầu tư, thị trường xuất khẩu, thị trường nhập nguyên vật liệu, và quan trọng phân bổ vốn dành cho tín dụng như thế nào để dòng chảy vốn đi vào đúng nơi cần vốn.
Bên cạnh đó là giải pháp khôi phục lại thị trường bất động sản, nhất là cách hành xử, ứng phó như thế nào đối với các trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm 2023; phục hồi thị trường lao động thành phố một cách căn cơ, ổn định; sẽ có các cuộc đối thoại chuyên đề giữa lãnh đạo thành phố, các hiệp hội ngành nghề ngay trong những ngày đầu năm để nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, chuẩn bị từng bước cho sự chuyển dịch kinh tế thành phố.