Cạnh tranh hút vốn
Theo thống kê từ 25 NHTM đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2019, tổng tiền gửi của khách hàng tại các NH này tại ngày 30-6 đạt hơn 5,59 triệu tỷ đồng, tăng 7,17% so với đầu năm. Trong đó, nhóm NHTM có vốn nhà nước vẫn dẫn đầu về huy động. Đứng đầu là BIDV với tổng vốn huy động đạt 1,06 triệu tỷ đồng (tăng 7,09% so với đầu năm), Vietcombank hơn 870.000 tỷ đồng (tăng 8,6%), Vietinbank gần 847.000 tỷ đồng (tăng 2,55%).
Nhóm NHTMCP lớn cũng đạt tăng trưởng huy động vốn ấn tượng. SCB có quy mô tiền gửi cao thứ 4 với hơn 419.000 tỷ đồng, tăng 8,94%. VIB tăng trưởng huy động vốn 16,84%, đạt 99.158 tỷ đồng; VPBank tăng 15,52% đạt 197.000 tỷ đồng; Sacombank tăng 11,12%; Techcombank tăng 9,36%... Nhóm NHTMCP nhỏ ngoài NCB tăng trưởng huy động 14,39% lên gần 54.000 tỷ đồng, các NH khác đều tăng khá thấp (Kienlongbank tăng 5,32%, VietCapitalbank tăng 2,34%), thậm chí ABBank giảm 3,89%, PGBank giảm 7,82%, Saigonbank giảm 0,61%…
Ảnh minh họa: L.THANH
Nhưng dù huy động ở mức nào, cạnh tranh huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1) vẫn là mục tiêu chung của các NHTM, nhất là các NHTMCP, thể hiện qua diễn biến lãi suất các tháng gần đây. Trong bản tin kinh tế tài chính tuần 4 tháng 9-2019, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết một số NHTM điều chỉnh tăng lãi suất huy động bằng VNĐ đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Các NHTMCP điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng 6-7,5%/năm, cá biệt có NH tăng 8,21%/năm tùy vào giá trị và kỳ hạn huy động. Trong khi đó, lãi suất huy động của nhóm 4 NHTM có vốn nhà nước ít biến động, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giữ ở mức 5,1 -5,5%/năm.
Song ghi nhận trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đang cao hơn nhiều so với thống kê của báo cáo này. Cụ thể, mức lãi suất 8,9%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 16 tháng của VietABank, mức 8,6%/năm được áp dụng tại TPBank (số tiền gửi từ 100 tỷ đồng) và VietCapitalbank (không yêu cầu số tiền gửi). VietBank, ABBank, PVCombank huy động lãi suất cao nhất 8,5%/năm; VPBank, Eximbank 8,4%/năm… Nhiều NH khác áp dụng lãi suất cao nhất 8-8,1%/năm.
Đầu ra thấp nhất 4 năm
Đầu ra thấp nhất 4 năm
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường lệ thuộc vào tín dụng đến từ hệ thống NH, đã tạo áp lực huy động vốn để cho vay của các NHTM rất lớn. Tuy nhiên năm nay đã có những thay đổi. Tăng trưởng kinh tế quý III cao kỷ lục nhưng động lực đóng góp chính là khu vực công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến và các ngành dịch vụ thị trường. Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 8,64%, thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây. BCTC quý II-2019 của các NH cũng cho thấy, đa số nhà băng đều có mức tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng thấp bởi các NH đang phải cân đối tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 40%, dự kiến sắp tới giảm còn 30-35%. Kết thúc năm 2018, chỉ có 14 NH công bố tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn trong báo cáo tài chính, gồm NamABank, SCB, Techcombank, BIDV, HDBank, ACB, TPBank, KienlongBank, MBB, VPBank, VIB, Sacombank, OCB, BacABank. Dù các NH này đều có tỷ lệ dưới mức 40% nhưng vẫn còn cách xa tỷ lệ 30-35%. Điển hình Bac A Bank có tỷ lệ 39,6%, OCB 37,6%, Sacombank 37,4%, HDBank 32%. Chỉ vài NH có tỷ lệ thấp như Techcombank (khoảng 30%), NamABank (16,7%), SCB (20,4%).
Tín dụng tăng trưởng thấp còn đến từ nhiều lý do khác, như NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp; định hướng kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn cho các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và tiêu dùng; nhà băng cân nhắc rủi ro các khoản vay để đảm bảo hệ số CAR theo Basel II.
Tiền chảy vào trái phiếu?
Tiền chảy vào trái phiếu?
Khi NH tăng lãi suất huy động hút để vốn nhưng tín dụng vẫn thấp, song vẫn tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận cao, đã đặt ra vấn đề tiền đang ở đâu, sử dụng vào mục đích gì để sinh lời? Câu trả lời này được thể hiện qua những con số về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo định hướng chung, Chính phủ khuyến khích phát triển hoạt động phát hành TPDN để giảm bớt áp lực vốn trung hạn và dài hạn cho NH, tiến tới giảm lãi vay. Nhưng sau khi TPDN tăng mạnh về khối lượng, khoản đầu tư TPDN của NH cũng tăng theo.
Cụ thể, từ BCTC bán niên 2019 của 18 NHTM niêm yết, cho thấy lượng TP của các TCTD do các NH này nắm giữ tăng thêm 56.400 tỷ đồng trong các tháng đầu năm, xấp xỉ lượng TP các NHTM đã phát hành. Cùng với đó, đối tượng mua TP của NH chủ yếu là các chứng khoán, nên giới phân tích dự đoán có thể các NH đã mua chéo TP lẫn nhau. Thống kê trong 8 tháng 2019, các NH đã mua khoảng 7.410 tỷ đồng trong tổng số 36.876 tỷ đồng TP bất động sản được phát hành (chiếm 20,1%). Ngoài ra, lượng TPDN do một số công ty con, công ty liên kết của NH mua cũng khá cao, dẫn đến dự đoán có thể NH đã ủy thác mua TPDN để né việc phải ghi khoản này vào nội bảng.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, các NH tăng mua TPDN trong thời điểm này vì hình thức đầu tư này vừa sinh lợi vừa linh hoạt ,và TPDN là công cụ có thể chuyển nhượng. Giả sử vào tại thời điểm nào đó, NH nắm giữ TPDN đối mặt với các rủi ro liên quan đến vấn đề an toàn vốn, họ có thể bán lại cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân để điều chỉnh lại khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán.
Định hướng phát triển TPDN nhằm giảm áp lực vốn lên các NH. Tuy nhiên khi bị hạn chế đầu ra, các NH lại chuyển sang đầu tư và trở thành trái chủ lớn nhất trên thị trường TPDN. Điều này đã dấy lên lo ngại nhà băng lách luật để đổ vốn vào những lĩnh vực rủi ro, kể cả khi NHNN đã có công văn gửi yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN. Việc này sẽ khó dừng lại trong bối cảnh NHNN đặt ra nhiều yêu cầu về đảm bảo an toàn vốn, ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của các nhà băng.
Nếu không có quy định cụ thể về cho vay và đầu tư, thay vì ký hợp đồng tín dụng để cho vay vốn, việc các NH mua các lô TP hàng trăm tỷ đồng của DN sẽ còn tiếp diễn. |