Trong đó, Ngũ động Thi Sơn ở thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng) nằm trong quần thể khu di tích lịch sử thắng cảnh Đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn được người dân địa phương ví như “động Phong Nha” của Hà Nam.
Chuỗi 5 động liên hoàn
Chuỗi 5 động liên hoàn
Tên ngũ động xuất phát từ 5 động liên hoàn nhau trong lòng núi Cấm. Núi Cấm là một ngọn núi cao nằm bên bờ sông Đáy thơ mộng. Lối vào động nằm ngay chân núi và hướng ra phía bờ sông. Bước vào động thứ nhất, du khách sẽ nhìn thấy một ban thờ thần có kỳ lân và đại bàng đá chầu 2 bên. Sau đó, du khách sẽ men theo một lối nhỏ trong động dài chừng 50m, cao khoảng 1m. Con đường động này rất đẹp với nhiều thạch nhũ rủ xuống. Trên đoạn đường động, có những nhũ đá chồi từ vách động, cũng có những nhũ đá rủ từ trên trần xuống như những bông hoa. Trong động còn có nhiều ngách cụt, rất tối thậm chí có nước, du khách cần soi đèn và quan sát kỹ sẽ thấy được những nhũ đá tuyệt đẹp.
Lối vào tham quan Ngũ động Thi Sơn.
Người dân địa phương gọi nhũ đá là măng đá. Các măng đá tạo ra nhiều hình thù khác nhau, được người dân đặt tên như con trai con hến, lá cờ, con rùa, đôi song tượng của Hai Bà Trưng, con trâu của Đinh Bộ Lĩnh… Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngũ động Thi Sơn là nơi bộ đội ta ẩn náu và cất giữ vũ khí. Ngoài ra, trong hang động còn có những nhũ đá bên rỗng, có nhiều hang thông với nhau. Du khách có thể gõ vào nhũ đá và sẽ phát ra tiếng như tiếng đàn, tiếng cồng chiêng. Có những phiến đá, nhũ đá dày sẽ có âm thanh trầm hơn vang hơn, phiến đá mỏng sẽ phát ra những âm thanh trong trẻo, ngân nga.
Động thứ 4 có một lối nhỏ thông ra một cái giếng, nước giếng trong vắt, là nơi tiêu nước của toàn động trong quá trình lòng núi bị bào mòn. Lối vào động thứ 5 có thạch nhũ tạo thành 3 cửa tự nhiên tách biệt nhau bởi những cột đá. Mỗi cửa đều có thạch nhũ rủ xuống như những chiếc rèm cửa, có cửa có hình thạch nhũ như đôi voi đang chầu nhau. Trong động rất mát mẻ, chênh nhiệt độ với bên ngoài khoảng 5oC. Trên đỉnh núi Cấm hiện nay có cắm một ngọn cờ Tổ quốc và đứng từ xa vài km cũng có thể quan sát thấy lá cờ. Người dân ở đây lưu truyền nhau câu chuyện huyền thoại rằng: Xưa kia, các nàng tiên thường bay từ trên trời xuống và đứng trên đỉnh núi ngắm cảnh.
Dòng sông Đáy thơ mộng uốn lượn quanh núi Cấm.
Sở dĩ có tên núi Cấm vì núi rất thiêng, không ai dám chặt cây, bứt cành trên núi. Tương truyền, trên núi có loại cỏ thi có thể chữa được nhiều bệnh nên được gọi là Thi Sơn, sau này Thi Sơn cũng trở thành tên xã của địa phương. Hiện nay, có đường bậc thang để du khách leo lên đỉnh núi với khoảng 300 bậc. Đứng trên đỉnh núi có thể quan sát được toàn cảnh sông Đáy cũng như các khu dân cư xung quanh.
Ngôi đền thiêng trong rừng trúc
Trước kia, dưới chân núi Cấm là rừng trúc rậm rạp, cảnh tượng rất nên thơ trữ tình. Trong khu rừng trúc có một ngôi đền thờ Lý Thường Kiệt nên còn được gọi là đền Trúc. Anh Bùi Anh Hải, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao du lịch huyện Kim Bảng cho biết: “Theo tư liệu của địa phương, năm 1069, khi thái úy Lý Thường Kiệt hành quân qua Thi Sơn xuất hiện một trận cuồng phong, cuốn bay lá cờ lên đỉnh núi Cấm. Ngài bỗng thấy có điềm lạ và cho dừng chân, hạ trại, cho quân làm lễ tế trời, cầu mong đánh thắng quân Chiêm Thành. Sau khi ngài đánh thắng quân Chiêm Thành, nhớ lời thề xưa, ngài quay trở lại Thi Sơn, hạ trại và làm lễ khao quân. Ông tuyển chọn nam thanh nữ tú và dạy cho điệu hát dặm. Hội chính được mở từ ngày 1 đến 10-2 (âm lịch), giỗ chính vào ngày 6-2”.
Khu trung tâm Ngũ động.
Ngôi đền Trúc được dựng bằng gỗ lim, cao trên 6m. Nhà tiền đường gồm 5 gian, có hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng chồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19. Có 3 gian hậu cung được xây dựng cùng một phong cách với nhà tiền đường, trên hệ thống cửa có chạm trổ các đề tài tứ quý. Hiện tại, quanh đền Trúc vẫn còn rất nhiều khóm trúc đẹp, thẳng tắp và rủ từ 2 bên đường vào, tạo nên một mái vòm rất nên thơ.
Nhũ đá hình con voi kèm theo những hạt lấp lánh của cát rất hấp dẫn.
Khu di tích thắng cảnh đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50km về hướng Tây Nam, địa hình leo núi vừa phải, rất thích hợp cho những chuyến du lịch trong ngày. Ngoài ra, các điểm du lịch lân cận như chùa Bà Đanh, Ao Dong - Hang Luồn, Bát Cảnh Sơn đều thuộc huyện Kim Bảng là những nơi dân phượt hoàn toàn có thể ghé qua. Du khách mua vé vào tham quan khu danh thắng chỉ 10.000 đồng. Du khách đi từ Hà Nội có thể đi theo Quốc lộ 1A về phía Nam, tới khu công nghiệp Đồng Văn rẽ phải khoảng 20km. Hoặc đi theo Quốc lộ 21B từ quận Hà Đông, rồi men theo đê sông Đáy đến địa phận xã Thi Sơn và hỏi thăm khu danh thắng đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn.