Đối với những CP đã nằm trong danh mục của VNM ETF, tiêu chí đặt ra để CP không bị loại khỏi danh mục, là tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dành cho NĐTNN (tỷ lệ room nước ngoài còn lại) phải lớn hơn 5%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 75 triệu USD; giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng gần nhất đạt tối thiểu 0,2 triệu USD tại ít nhất 2/3 kỳ review gần nhất (tại kỳ xem xét và trong 2 kỳ review gần nhất); giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 0,6 triệu USD hoặc có ít nhất 200.000 CP giao dịch hàng tháng trong vòng 6 tháng gần nhất (hoặc 1 trong 2 kỳ review liền trước).
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), với các tiêu chí trên, nhiều khả năng NT2 (CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2) và DPM (Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí) sẽ bị loại khỏi danh mục của quỹ VNM ETF trong kỳ review lần này, do 2 mã CP này vi phạm các tiêu chí về thanh khoản và quy mô vốn hóa của quỹ.
Đối với những CP nằm ngoài danh mục của VNM ETF, muốn được chọn vào rổ phải đáp ứng các tiêu chí đặt ra, gồm tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dành cho NĐTNN phải lớn hơn 10%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 150 triệu USD và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 1 triệu USD. Nếu NT2 và DPM bị loại, số lượng CP trong danh mục của VNM ETF sẽ giảm xuống còn 23 mã.
Như vậy, quỹ sẽ phải thêm mới 2 CP để đáp ứng đủ số lượng CP tối thiểu trong danh mục là 25 CP. Trong kịch bản này, dù chưa đáp ứng được tiêu chí về thời gian giao dịch, nhưng POW (Tổng CTCP Điện lực dầu khí Việt Nam) nhiều khả năng sẽ là CP được VNM ETF lựa chọn, bởi vốn hóa của CP này khá lớn.
Bên cạnh đó, PVS (Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam) có thể sẽ là CP thứ 2 được quỹ thêm mới trong kỳ tái cơ cấu danh mục lần này.
Đối với FTSE, khả năng không có CP nào bị loại ra khỏi danh mục trong kỳ review lần này. Tuy nhiên, ở chiều thêm vào, nhiều khả năng POW sẽ là CP được thêm mới vào danh mục của quỹ FTSE ETF, do CP này hiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra. Nếu dự báo này chính xác, POW sẽ chiếm tỷ trọng 1,6% trong danh mục FTSE và được quỹ này mua vào hơn 8,2 triệu CP.
Trước đó, POW đã được MSCI Frontier Markets Index thêm vào rổ, sau khi loại 14 mã CP Argentina ra khỏi danh mục, do TTCK của quốc gia này được nâng hạng từ Frontier Markets lên Emerging Markets trong đợt review quý II. Việc Argentina nâng hạng sẽ giúp các thị trường còn lại (bao gồm Việt Nam) được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets Index.
Sau đợt cơ cấu này, số lượng CP trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ giảm xuống còn 95 CP, bao gồm 11 CP đến từ Việt Nam, gồm VIC (Vingroup), MSN (Masan), VCB (Vietcombank), HPG (Hòa Phát), STB (Sacombank), BVH (Bảo Việt), GAS (PV Gas), BID (BIDV), VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco) và POW. Danh mục mới sẽ có hiệu lực từ sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 28-5.
Trong đợt review quý II, dự báo 2 quỹ ETF này cũng sẽ mua thêm và bán bớt nhiều mã CP có tác động đến chỉ số, như VNM, MSN, BVH, HPG, STB, VCB, VRE (Vincom Retail), VHM (Vinhomes), PLX (Petrolimex), NVL (Novaland). Trước đây, việc bán ra các CP trong danh mục của 2 quỹ ETF này thường có tác động tới diễn biến giá trên thị trường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc dự báo kết quả thay đổi của các quỹ khá chính xác, nên các NĐT đã có chuẩn bị và thực hiện trước khiến tác động của đợt review không còn lớn. Thêm vào đó, do thanh khoản thị trường tăng cao, đặc biệt tại nhóm CP vốn hóa lớn, khiến mức độ ảnh hưởng khi bán ra không lớn, nhanh chóng được hấp thụ chỉ trong vòng 1-2 phiên.