Trong phiên điều trần cuối năm 2021 trước Quốc hội Mỹ, Thượng nghị sĩ Pat Toomey dẫn phát ngôn của nhà kinh tế John Maynard Keynes “Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều chết” để chất vấn Powell. Toomey nói: “Tôi biết ông tin lạm phát chỉ là tạm thời. Nhưng mọi thứ chỉ là tạm thời. Cuộc sống cũng chỉ là tạm thời. Vậy, lạm phát phải vượt quá mục tiêu của ông trong bao lâu trước khi ông quyết định có lẽ nó không phải là tạm thời?".
Đáp lời Toomey, Powell cho rằng ông sẽ rút lại từ “tạm thời” hiện gây nhiều nhầm lẫn. Như vậy, liệu có phải Powell tự nhận mình đã sai lầm? Nhưng Powell đâu có thay từ “tạm thời” bằng một từ khác là “thường xuyên” đâu mà nhận sai?
Sau phiên điều trần trước Quốc hội, trong cuộc họp chính sách của Fed cuối năm 2021, Powell phát biểu trước truyền thông, như thể đáp trả câu hỏi của Toomey: “Bạn đã thấy chính sách của chúng tôi thích ứng và bạn sẽ thấy chính sách tiếp tục thích ứng”.
Câu chữ ở đây thật rõ ràng, trong quá khứ Powell đã thích ứng và trong tương lai ông vẫn tiếp tục thích ứng. Vấn đề là phạm vi và quy mô của sự thích ứng đó đã được kết tinh với hình thái mới.
Theo đó, Fed nhanh chóng rút lại chương trình kích thích kinh tế với việc kết thúc kế hoạch mua trái phiếu chính phủ sớm hơn vào tháng 3 (thay vì tháng 6) và dự kiến tăng lãi suất ba lần (thay vì hai lần như dự kiến) vào năm 2022.
Fed đã xoay trục? Đúng thế. Nhưng “trục xoay Powell" không có nghĩa ông đang trở thành diều hâu chống lạm phát, chẳng qua đây chỉ là một sự điều chỉnh chiến thuật và thực sự ông vẫn khá ôn hòa.
Biến thể Delta và Omicron xuất hiện vài lần trong các thông điệp của Powell ắt hẳn là điều mà ông muốn nhắc nhở mọi người là bất định vẫn đang ở phía trước. Như thể ông muốn nói, điều chúng ta biết chắc chắn nhất là không có gì chắc chắn; điều chúng ta biết chắc chắn nhất là mọi thứ đều tạm thời.
Có một điều chắc chắn là Powell muốn giảm bớt áp lực lạm phát bằng một chế độ mới có tên gọi “tăng trưởng ổn định”, hơn là bằng mọi giá bất chấp nguy cơ lạm phát. Ngay cả khi có thêm khoảng 4,2 triệu người mất việc so với thời điểm bắt đầu đại dịch, và thậm chí chưa tính đến mối đe dọa mới từ Omicron, nhu cầu kích thích nền kinh tế đã giảm đi rõ rệt.
Truyền thông Mỹ cũng đặt vấn đề chính trị trong các quyết định của Powell. Số là vào tháng 7-2021, Tổng thống Joe Biden vẫn cho rằng việc tăng giá chỉ là tạm thời, rằng đó chẳng qua là phản ứng phụ của đại dịch. Nhưng đến tháng 11, ông đã đảo chiều quan điểm và thẳng thắn nói rằng lạm phát đang gây tổn hại rất lớn đến người dân và tuyên bố "đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu".
Nói là làm, vào ngày 23-11, Biden thông báo bơm ra thị trường 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia, để giảm nhiệt giá xăng dầu.
Dù ông biết rằng chúng chỉ giải quyết được 2,5 ngày tiêu dùng nhiên liệu của người Mỹ, chẳng có tác dụng đáng kể nào đến nỗ lực hạ giá xăng dầu. Chưa hết, Biden lại công bố một "kế hoạch hành động", để mở rộng năng lực các cảng nhằm giảm nhiệt nút thắt nguồn cung ứng.
Nhưng điều đó có thể mất nhiều năm mới có kết quả. Vậy thì chỉ còn cách cuối cùng là Biden dỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc để giúp hạ giá hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, đây lại là điều không tưởng về mặt chính trị.
Liền sau động thái của Biden, cũng trong tháng 11, Powell thông báo cắt giảm mỗi tháng 15 tỷ USD chương trình mua trái phiếu chính phủ và kết thúc vào tháng 6 cùng với lộ trình tăng lãi suất 2 lần vào năm 2022.
Dường như Powell đã làm đúng ý của Biden. Không rõ liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Khi Biden đang cần giảm lạm phát nhanh nhất để lấy lòng cử tri cho kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội sắp tới… và Powell xuất hiện đúng lúc.
Không rõ có phải như thế hay không khi chỉ ít lâu sau đó, ngày 22-11, Biden đề cử Powell làm Chủ tịch Fed nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai. Nhiều người đa nghi, thậm chí còn khẳng định, khởi đầu của biến thể Delta và Omicron cũng là sự kết thúc kỷ nguyên ngân hàng trung ương độc lập khỏi chính trị.
Nhưng cho dù không tin vào giả thuyết trên, thuần về khía cạnh kinh tế, trước cơn bão giá đang tấn công vào túi tiền người dân, có lẽ Powell đang dần thấm thía nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Lawrence Summers vào ngày 14-11-2021 khi trả lời hãng tin CNN, rằng “Sự khác biệt giữa tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thấp hơn là 2 hoặc 3 phần trăm số người thất nghiệp. Nhưng sự khác biệt giữa lạm phát cao hơn và thấp hơn là 100% người dân cảm thấy họ đang bị cướp đi sức mua bởi giá cả cao hơn”.
Vấn đề là không hẳn ai cũng đồng ý với nhận định của Summers để gây sức ép Fed phải tăng lãi suất. Paul Krugman, nhà kinh tế đạt giải Nobel năm 2008, lại cho rằng chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng cao không từ các chính sách kinh tế trong nước. Hàm ý của Krugman là lạm phát ở Mỹ phần lớn là vấn đề toàn cầu và nằm ngoài tầm với của các nhà hoạch định chính sách.
Theo quan điểm này, các chủ ngân hàng trung ương nên thận trọng với việc tăng lãi suất, bởi vì điều đó sẽ chẳng có tác dụng gì để thúc đẩy sản xuất, đây là mấu chốt của các tranh luận chính sách hiện tại. Nói một cách đơn giản, cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường, và lạm phát chỉ là một triệu chứng, không phải nguyên nhân, tăng lãi suất không giải quyết được vấn đề.
Sự khác biệt giữa tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thấp hơn là 2 hoặc 3% số người thất nghiệp. Nhưng sự khác biệt giữa lạm phát cao hơn và thấp hơn là 100% người dân cảm thấy họ đang bị cướp đi sức mua bởi giá cả cao hơn. |
Thế nên, sau phiên họp lần cuối cùng của năm 2021 Powell vẫn nói nước đôi: “Bạn đã thấy chính sách của chúng tôi thích ứng và bạn sẽ thấy chính sách tiếp tục thích ứng”. Thị trường vẫn có niềm tin tích cực về những gì Powell nhìn nhận và hành động. Các phản ứng khá tích cực trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu sau thông điệp của Powell (ngoại trừ cơn bán tháo cổ phiếu công nghệ do nhạy cảm với lãi suất) cho thấy thị trường vẫn đang đặt niềm tin vào ông.
Nguyên nhân sâu xa của “trục xoay Powell”, có lẽ do ông đã phần nào mất niềm tin vào đánh giá của các nhà kinh tế khi họ cho rằng “đường cong Phillips đã chết”. Theo lý thuyết đường cong Phillips, thất nghiệp thấp luôn đi kèm với lạm phát cao và ngược lại. Thế nhưng vấn đề là nhiều thập niên qua, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ liên tục đạt mức thấp trong lịch sử, trong khi đó lạm phát vẫn chưa bao giờ vượt quá mục tiêu 2% của Fed.
Đường cong Phillips ngày càng phẳng đi, nó đã chết? Powell và nhiều đồng nghiệp tại Fed, có lẽ, vốn đã tin vào điều này nên vào tháng 8-2020 đã chủ trương thay đổi sang chế độ lạm phát mới, linh hoạt hơn với mục tiêu tạo công ăn việc làm nhiều hơn mà không phải cứ canh cánh trong lòng nỗi lo lạm phát ập đến. Lạm phát không nhất thiết phải đạt 2% mỗi năm, miễn là trong khoảng thời gian 2-3 năm trung bình 2% là đạt mục tiêu (có thể năm cao, năm thấp miễn trung bình 2%).
Triết lý này giờ đã bắt đầu vượt quá giới hạn. Khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 3 thập niên, nếu không thắt chặt tiền tệ, một khi vòng xoáy giá-lương-tiền hình thành, bất ổn kinh tế vĩ mô thực sự sẽ là thảm họa cho cá nhân Powell, Biden và nước Mỹ. Bây giờ, xem ra Fed sử dụng “trục xoay Powell” với việc đặt mục tiêu chống lạm phát là ưu tiên số một. Mùa Đông nước Mỹ đang tới.
Nó giúp Powell chợt nhớ ẩn dụ đường cong Phillips có thể vẫn chưa chết mà chỉ tạm thời “ngủ Đông”. Nếu thế, qua mùa Đông ảm đạm, khi tỷ lệ phủ vaccine bao trùm toàn nước Mỹ và có lẽ toàn thế giới, tăng trưởng toàn cầu bùng nổ, bóng ma lạm phát sẽ quay trở lại.
Toàn cầu hóa và nhân khẩu học khiến cho nước Mỹ khó có thể lặp lại lạm phát phi mã giống như thập niên 1970. Nhưng như Mark Twain đã từng nói: “Lịch sử không lặp lại chính nó, nhưng giai điệu của nó thì có”. Cẩn tắc vô áy náy. Powell có thể chứng minh mình đã đúng khi tăng lãi suất, cho dù có thể hơi muộn một chút. Nếu đúng như thế, có thể đường cong Phillips thật sự vẫn còn sống bấy lâu nay?
Cho dù thế nào, điều này cũng chứng tỏ Powell kịp thay đổi. Giảng viên và sinh viên ngành kinh tế ắt hẳn vui nhất vì có chuyện để thảo luận sôi nổi về lý thuyết đường cong Phillips trong các năm học vui sắp đến sau những tháng ngày học online do đại dịch. Một năm mới thật an lành.