Kết nối giao thông công cộng gia tăng giá trị quỹ đất

(ĐTTCO) - Đó là ý kiến của Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm tại buổi hội thảo “Phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công- tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn do UBND TPHCM và Ngân hàng thế giới đồng tố chức vào chiều 19-12.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM (trái), trao đổi cùng các chuyên gia.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM (trái), trao đổi cùng các chuyên gia.

Theo ông Lâm, theo quy hoạch TPHCM sẽ đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến 15 tỷ USD và hiện đang đang thực hiện 2 tuyến là Metro số 1 và Metro số 2. Tổng mức đầu tư nói trên, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 25% còn lại phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Một trong giải pháp được đánh giá là tiềm năng nhất là phát huy giá trị nguồn lực đất đai xung quanh các dự án.

Cụ thể là công tác quy hoạch phải gắn với giao thông công cộng và ngược lại để nâng giá trị nguồn lực đất đai để thu hút nhà đầu tư. Từ đó đầu tư phát triển các đô thị, kết nối với hạ tầng giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng. Theo ông Lâm, TPHCM là một siêu đô thị, mật độ dân số 4.000 người/km2, dân số lên đến 13 triệu dân, quy hoạch giao thông có từ năm 2001 nhưng thời gian qua việc triển khai còn nhiều vướng mắc thách thức do hạn chế về nguồn lực. Chính vì vậy làm thế nào để giải quyết bài toán giao thông công cộng và đầu tư hạ tầng là một thách thức lớn cần sự tham gia từ các nguồn lực xã hội.

Đại diện WB cho rằng, riêng ở Hà Nội thiệt hại mỗi năm do tắt đường là 1,2 tỷ USD, TPHCM con số này có thể lớn hơn cộng với nhiều hệ lụy khác. TPHCM quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng với nhiều tham vọng, nếu thực hiện tốt sẽ cải thiện được tình hình trong 10 năm tới. Hình thức PPP là một giải pháp tốt mà nhiều nước trong khu vực đã thực hiện thành công trong lĩnh vực này. Hy vọng TPHCM sẽ học được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Các tin khác