“Mỏng” và nhiều âu lo
Trong giai đoạn “nóng” nhất của đại dịch, trạm y tế công cộng ở từ đô thị lớn đến vùng núi xa xôi trở thành trung tâm duy nhất để người dân tiếp cận các biện pháp bảo vệ sức khỏe, trả lời các câu hỏi về Covid-19, cách ly người bệnh, tiêm ngừa. Trong thời gian đó, nhiều tờ báo tường thuật về tình trạng thiếu nhân viên y tế trực trạm, có trạm chỉ có một người trực suốt mùa dịch hoặc nhân viên trực trạm... không biết chích ngừa.
Ở nhiều nơi, nhân viên y tế trạm chưa có chuyên môn cao. Quá trình tiêm chủng ban đầu gặp nhiều bối rối, nhân viên y tế chưa trang bị đủ kiến thức để giải đáp cho người dân những câu hỏi về vaccine, đôi khi nảy sinh hiểu lầm không đáng có.
Từ đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy hệ thống y tế cộng đồng, nhất là các trạm y tế phường xã là mắt xích then chốt để Việt Nam phòng tránh những đại dịch trong tương lai, là tấm khiên bảo vệ cho sức khỏe người dân Việt Nam. Và “tấm khiên” đó cần phải được gia cố sức mạnh.
Nhân viên y tế trạm cần có chuyên môn cao hơn. Cơ sở vật chất và hệ thống vận hành tại trạm cần được thống nhất, thông suốt, số hóa, chuyên nghiệp, giúp trạm có thể phản ứng nhanh với những tình cảnh phức tạp như Covid-19, và giúp người dân được chăm sóc y tế kịp thời.
Thấm thía bài học kinh nghiệm sau nhiều tháng dài chống chọi đại dịch, giữa năm 2021, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án phát triển y tế cộng đồng giai đoạn 2021 -2030. Đề án này nhấn mạnh vai trò chung tay, “nỗ lực có tổ chức và những lựa chọn có hiểu biết của xã hội, của các tổ chức, cộng đồng công cộng, tư nhân và của từng cá nhân”.
Quyết định này cho thấy TPHCM quyết tâm nâng cao chất lượng của hệ thống trạm y tế phường, xã, quận, để chính cộng đồng đầy năng lượng và nguồn lực của TPHCM tham gia vào quá trình bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 5-2021, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất “tăng đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, các trạm y tế xã, bệnh viện lao, phong, tâm thần; sửa đổi quy định về ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã”- đó chính là định hướng sáng suốt của Bộ Y tế và ưu tiên kịp thời của ngành y tế TPHCM để giúp tránh tình trạng quá tải, phản ứng chậm ở cấp phường xã trong những giai đoạn quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Có thể nói, hệ thống trạm y tế ở nước ta đã có độ phủ rộng và rất sâu đến cả những vùng địa đầu Tổ quốc, miền núi, hải đảo. Tuy nhiên, để đạt được độ phủ đó, Bộ Y tế đã phải rải rác nguồn lực khắp cả nước. Sự khó khăn về công nghệ, nhân lực, tài chính đúng là đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình phản ứng nhanh chống dịch bệnh.
Để có giải pháp cho vấn đề này, cần đến sự chung tay của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân để cung cấp những giải pháp công nghệ, đầu tư, để cải tiến mạng lưới y tế cộng đồng, vì chúng ta sẽ còn nhiều nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.
Tấm khiên tránh đại dịch từ xa?
Trước nhu cầu bức thiết đó của thực tiễn, ông Lê Thành, Chủ tịch Hội đồng Viện Kinh tế Xanh chia sẻ: “Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình y tế cộng đồng của thế giới, cả những điểm mạnh và hạn chế. Chẳng hạn như Nhật Bản - một trong những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới. Hệ thống y tế của Nhật Bản 90% là tư nhân, chỉ có 10% là nhà nước.
Việc tư nhân hoá mạnh mẽ này giúp Nhật Bản nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn dân. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho thấy một rủi ro lớn. Bệnh viện tư có quyền từ chối bệnh nhân Covid-19 đã khiến cho 10% bệnh viện công tại Nhật Bản phải chịu áp lực rất lớn. Việt Nam chúng ta may mắn có hệ thống trạm y tế công cộng phủ sóng rộng khắp như vậy. Đó chính là thế mạnh rất lớn cần phát huy. Giờ ta cần trang bị thêm kỹ thuật và trình độ vào đó. Vậy là người dân có thể an tâm hơn khi được chăm sóc y tế ngay gần nơi họ sinh sống, thay vì phải lặn lội lên những bệnh viện xa xôi tuyến trên”.
Các trạm y tế cộng đồng ở Việt Nam cần phải nâng cao năng lực y sĩ, bác sĩ trực trạm. Để có thể làm được điều đó, đào tạo chuyên môn là điều tiên quyết. Bên cạnh đó, trạm y tế cũng cần có giải pháp công nghệ, như cơ sở dữ liệu bệnh nhân, chuyển đổi số trong tiếp nhận bệnh, hệ thống bệnh án điện tử.
Ông Hidetoyo Teranishi - CEO Công ty Medi Hub (Nhật Bản)
Ông Hidetoyo Teranishi - CEO Công ty Medi Hub (Nhật Bản), một công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn hệ thống chăm sóc sức khỏe chia sẻ về giải pháp: “Nếu nhân viên y tế và trạm nhỏ có hệ thống chuẩn hóa phác đồ điều trị online bằng phần mềm, thì chính cơ sở dữ liệu bệnh nhân và bệnh án điện tử sẽ giúp nhân viên có thể sàng lọc ngay các ca bệnh khẩn cấp hay bệnh nhẹ, hoặc kết nối tức thời tới hàng ngàn bác sĩ. Đó là sự hỗ trợ đắc lực nhất để những trạm y tế có ít nhân viên vẫn có thể vận hành hiệu quả dù ở xa các bệnh viện trung ương, tuyến đầu”.
Thành lập năm 2014 tại Nhật Bản với sứ mệnh “kết nối thế giới và tạo ra một tương lai khoẻ mạnh”, nâng cao sức khỏe cộng đồng qua chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Medi Hub đã phát triển ra khắp châu Á với hơn 500 khách hàng, đối tác là các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khoẻ, nhà an dưỡng cao cấp... “Medi Hub sẵn sàng kết nối các nguồn lực về công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực chuyên môn từ hàng trăm ngàn bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Nhật Bản cùng với đối tác Việt Nam xây dựng mô hình này”, ông Teranishi chia sẻ.
Với định hướng giải pháp đó, Viện Kinh tế Xanh chủ trì xin được sự chấp thuận từ phía Bộ Y tế, để cùng chung tay nâng cao năng lực trạm y tế, cung cấp giải pháp công nghệ cho trạm, trước mắt là từ 24 quận huyện của TPHCM, giúp giảm áp lực y tế cộng đồng trên vai Bộ Y tế, tận dụng tiềm lực từ doanh nghiệp để người dân có giải pháp chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Viện Kinh tế Xanh cho biết Medi Hub sẽ là đối tác cung cấp giải pháp công nghệ cho quá trình chuyển đổi này.
Ông Lê Thành - Chủ tịch Hội đồng Viện Kinh tế Xanh
Ông Lê Thành nhận định cách làm phối hợp này là giải pháp tiềm năng: “Y tế cộng đồng phải luôn sẵn sàng để phản ứng với tình trạng khẩn cấp, và nhà nước có thể trưng dụng trạm ngay khi cần thiết. Còn trong các giai đoạn thông thường, trạm y tế có thể cho tư nhân đấu thầu cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Nếu có năng lực và hệ thống quản lý tốt hơn, trạm y tế cộng đồng sẽ giúp giảm áp lực, “chia lửa” khám chữa bệnh mà hiện nay các bệnh viện lớn phải vất vả xoay sở hàng ngày”.
Bà Trương Huệ Vân - Phó Chủ tịch Công ty Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - tham gia chống dịch Covid 19 cùng TPHCM
Bà Trương Huệ Vân, Phó Chủ tịch Công ty Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn vị đã đồng hành mạnh mẽ cùng với Nhà nước trong công tác chống dịch, chia sẻ thêm: “Sức khoẻ cộng đồng gắn liền với sức khoẻ của đất nước, đặc biệt khi chúng ta đã được chứng kiến các bất cập khi hệ thống y tế truyền thống bị quá tải.
Tôi rất tin tưởng vào cơ chế chính sách hợp tác công tư, tối ưu hoá nguồn lực của Nhà nước và tư nhân để cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội, đặc biệt là các chiến lược hành động trang bị hạ tầng xã hội để ứng biến tốt trước các trường hợp khẩn cấp như trận chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua. Tôi trân trọng sáng kiến nâng cao năng lực và nguồn lực cho các trạm y tế của Viện Kinh tế Xanh và sẵn sàng đồng hành nếu dự án này được ủng hộ triển khai”.
Như “kiềng ba chân”, Viện Kinh tế Xanh tin vào trụ cột vững vàng từ chuyên môn của Công ty Medi Hub trong giải pháp y tế cộng đồng từ Nhật Bản, sự tham gia của các đơn vị tư nhân cùng với Bộ Y tế, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cộng đồng của TPHCM nói riêng và Việt Nam trong tương lai gần, để chúng ta có thể chiến thắng những nguy cơ từ dịch Covid-19 và người dân có thể tin tưởng và tiếp cận dễ dàng đến điểm khám chữa bệnh gần nhất nơi mình sinh sống.