Dịp Quốc khánh 2/9 tới đây sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc đường bộ được thông xe đưa vào sử dụng là tuyến Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Cuối năm nay cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ hoàn thành.
Đây là những tín hiệu tích cực cho hạ tầng giao thông nước ta, song vẫn còn đó những nỗi lo về hệ thống trạm dừng trên các tuyến cao tốc đường bộ.
Liên quan vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Sanh – Nguyên Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT).
PV: Ông nhận định ra sao về tốc độ triển khai mạng lưới đường cao tốc nước ta thời gian qua? Liệu với tiến độ này có thể hoàn thành mục tiêu 3.000km vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030?
Ông Trần Xuân Sanh: Tính từ khi nước ta chuyển đổi chủ trương từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (khoảng 37 năm) chúng ta đã làm được 1892km đường bộ cao tốc, và tính riêng trong 3 năm từ 2020 đến nay đã làm được 566km đường cao tốc.
Đây thực sự là một cố gắng, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ ngành, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên không thể căn cứ một con số để đánh giá vì mỗi thời kỳ đều có đặc điểm khác nhau.
Nói về mục tiêu đến năm 2025, tức là trong 2 năm phải hoàn thành hơn 1100km nữa. Theo thông tin tôi biết khả năng hoàn thành cao là khoảng 900km vì hiện nay hầu hết các dự án đã và đang triển khai rồi.
Giai đoạn khó khăn nhất về thủ tục, hồ sơ, thiết kế, đấu thầu…đã giải quyết rồi, bây giờ chỉ còn tập trung vào thi công, giải phóng mặt bằng.
Với khoảng 200km còn lại thì phải cố gắng hơn vì có khá nhiều rủi ro về tiến độ. Tuy vậy, với cách hoạt động của ngành giao thông hiện nay thì ta có thể làm được.
PV: Trạm dừng nghỉ là một phần rất quan trọng của các tuyến cao tốc, vậy việc thiếu các trạm dừng nghỉ gây ảnh hưởng ra sao đến các tài xế nói riêng, hoạt động lưu thông trên cao tốc nói chung?
Ông Trần Xuân Sanh: Tại sao trên đường cao tốc thường phải làm trạm dừng nghỉ? Là vì để có thể tính toán được cung đường để nghỉ ngơi, đảm bảo an toàn trong quá trình lái xe cũng như tiếp tế nhiên liệu, tăng năng lực cho người vận hành trên cao tốc.
Thông thường khi đầu tư đường cao tốc, do hạn chế về hạn mức đầu tư nên trong giai đoạn chuẩn bị chỉ tập trung vào tổng mức cho tuyến chính. Ngoài ra, có tư duy xem đây là hạng mục dịch vụ nên kêu gọi xã hội hóa khối tư nhân, hoặc với công trình BOT thì có tư tưởng đầu tư từ từ theo lưu lượng nên chưa có tư tưởng xem đây là hạng mục tiên quyết phải làm.
Nếu là công trình nhà nước mà kêu gọi xã hội hóa thì cũng khó thu hút nhà đầu tư, nên nhà nước cần đưa vào tổng mức đầu tư để hoàn thành luôn, sau đó tổ chức đấu thầu chuyển nhượng quyền thu phí, quyền khai thác vận hành các trạm dừng này. Mô hình này các nước trên thế giới đã làm và có thể áp dụng cho tuyến cao tốc chính.
PV: Theo ông, cần làm gì để sớm có hệ thống dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc thời gian tới?
Ông Trần Xuân Sanh: Thứ nhất, với công trình dùng vốn công nếu tổng mức chưa có thì cần bổ sung tổng mức để đầu tư bằng được, sau đó tổ chức đấu thầu khai thác vận hành bảo trì tuyến cao tốc từng đoạn có thời hạn hoặc đấu thầu từng nhóm dịch vụ để thu hồi vốn ngân sách. Còn với công trình hợp tác công tư thì hoặc là nhà nước cán đáng phần đó hoặc động viên nhà đầu tư hoàn thiện dứt điểm.
Ngoài hệ thống trạm dừng nghỉ thì hệ thống ITS (công nghệ giao thông thông minh) hoặc tất cả các trạm thu phí cũng nên tính đến việc triển khai bằng hình thức khác, không dùng hệ thống barie mà thay bằng các long môn có máy đọc sẽ giúp xe lưu thông nhanh mà không tốn thêm chi phí.
PV: Xin cám ơn ông!
Theo TTXVN