Dù có nhiều tiềm năng về nông - lâm nghiệp, du lịch, tài nguyên khoáng sản… nhưng thời gian qua các dự án đầu tư vào vùng đất bazan này còn khá khiêm tốn.
Tiềm năng chưa được khai phá
Trong số những tiềm năng kinh tế dồi dào của tỉnh Đắk Nông phải kể đến khoáng sản. Quặng bô xít của tỉnh được phân bổ ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk G’Long, Đắk R’Lấp và Đắk Song. Các khoáng sản khác cũng rất đa dạng, như ở khu vực xã Trường Xuân (huyện Đắk Song) có nguồn tài nguyên đá quý ngọc bích, saphia trắng; trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Cư Jút có volfram…
Trước khi Quốc lộ 14 được nâng cấp, mọi hoạt động giao thương giữa Đắk Nông và các địa phương khác gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa sản xuất ra phải gánh nhiều chi phí vận chuyển, hao mòn, là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư. Từ năm 2015 đến nay, luồng dự án của các nhà đầu tư mới có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông |
Đối với tiềm năng du lịch, trên địa bàn tỉnh có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ nằm giữa rừng già như thác Trinh Nữ, thác Đray H’Linh, Đray Sáp, thác Liêng Nung… Các khu bảo tồn Nam Nung (25.000ha), Tà Đùng (28.000ha) và thảo nguyên nhỏ Trảng Ba Cây thích hợp cho việc cưỡi ngựa, săn bắn, cắm trại… Đặc biệt, các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu phục vụ du lịch văn hóa.
Tiềm năng du lịch nói trên là điều kiện để hình thành các cụm du lịch, tour du lịch của tỉnh; nếu được gắn kết với các tuyến du lịch phía Nam như Bình Thuận, TPHCM sẽ tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Đắk Nông còn có một số sản phẩm nông, lâm nghiệp có lợi thế như bắp, cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, nguyên liệu giấy để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp.
Về địa lý, do gần với khu vực Nam bộ, nên thời gian qua đã có một số nhà đầu tư của TPHCM đến vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió này triển khai dự án. Đơn cử như CTCP Vận tải Sài Gòn - Đắk Nông đầu tư hơn 375 tỷ đồng vào lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đường bộ, trong đó chủ yếu vận chuyển than, alumin và xút lỏng cho tổ hợp bô xít - nhôm Đắk Nông.
Hồ Gia Nghĩa - thắng cảnh ở thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng Trung tâm thương mại thị xã Gia Nghĩa. Bên cạnh đó, các công ty khác đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các lĩnh vực khai thác và chế biến đá, nông - lâm nghiệp.
Ngoài các DN ở TPHCM, một số DN của Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ cũng rót vốn “khủng” vào Đắk Nông, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa và bò thịt, với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng; dự án trồng rừng, nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng…
Cần sức bật mới
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, các hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư FDI chưa đáng kể và quy mô nhỏ bé, nhất là việc hợp tác kinh tế với TPHCM chưa tương xứng tiềm năng của hai địa phương.
Bên cạnh đó, việc các DN của TPHCM đầu tư hoặc ký kết hợp tác sản xuất, kinh doanh với các địa phương, với các DN trong tỉnh chưa được định hướng, thông tin và các chính sách hỗ trợ từ phía tỉnh chưa được đầy đủ về ngành, lĩnh vực đầu tư, hợp tác…
Về thủ tục hành chính, tuy đã có sự cải tiến, cắt giảm thời gian, giảm thủ tục hành chính, tuy nhiên ý thức và trách nhiệm hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình giải quyết thủ tục của một số sở, ngành còn cứng nhắc, rập khuôn, chưa tạo sự linh hoạt.
Nhằm cải thiện hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, qua đó thu hút nhiều DN trong nước và nước ngoài đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Một, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh sẽ tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư gắn với các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ và các sản phẩm lợi thế, cạnh tranh của tỉnh; tăng cường hơn nữa công tác quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của Đắk Nông trên một số phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng DN; hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những đối tác lớn, các tập đoàn quốc gia, dự án sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp phụ trợ...
Đặc biệt, tỉnh thông qua chương trình hợp tác kinh tế với TPHCM để kêu gọi đầu tư, nhất là tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - lâm sản, tiêu thụ hàng hóa… để góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên.