Khai thác công trình tạm trên đất nông nghiệp

(ĐTTCO) - Nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, qua việc đầu tư công trình phụ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2020 UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 3680, cho phép thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp tại 3 huyện Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. 
Một căn nhà tạm nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Củ Chi. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG
Một căn nhà tạm nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Củ Chi. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG
Nhu cầu nhiều, giải quyết chưa bao nhiêu
Huyện Cần Giờ có diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 67% tổng diện tích, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Theo cơ quan chức năng huyện Cần Giờ, sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định 3680, số lượng đăng ký của người dân có nhu cầu 422 hồ sơ, chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh và các xã An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, Long Hòa, Thạnh An, Bình Khánh. Tuy nhiên, kết quả giải quyết chỉ được 11 trường hợp. 
Tại huyện Nhà Bè, trước khi có Quyết định 3680, năm 2018 địa phương này đã ban hành quyết định tạm thời về phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (kèm theo phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất). Bởi theo một  lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp của huyện còn rất lớn. Hiện người dân có nhu cầu xây dựng các công trình phục vụ nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp như nhà lá, nhà màng, nhà lưới… để trồng rau, dứa, nấm, cây ăn quả; chuồng trại, kho vật tư, nông sản, nhà sơ chế nông sản…Nhưng từ khi có chính sách thí điểm đến nay, huyện tiếp nhận 10 hồ sơ nhưng chỉ 1 trường hợp đủ điều kiện để xem xét. 
Trong khi đó, huyện Củ Chi có số lượng hồ sơ được giải quyết nhiều trường hợp nhất với 120 cá nhân, tổ chức được xây dựng nhà giữ vườn, nhà màng, lưới, kho vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay huyện Củ Chi cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu cho người dân trong khu đô thị Tây Bắc, do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý quy hoạch. Do nhu cầu của người dân, huyện Củ Chi kiến nghị TP cho phép được áp dụng xây dựng tạm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch khu đô thị Tây Bắc. 

Nhân rộng nhưng cần quản lý chặt
Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết, Quyết định 3680 của UBND TP nhằm tạo điều kiện cho người có đất nông nghiệp thuận lợi nhất trong quá trình canh tác thông qua các công trình phụ trợ trên đất, qua đó phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai khi đưa vào sản xuất. Chính vì vậy, ngoài 3 huyện được thí điểm nói trên, một số quận, huyện khác cũng có nhu cầu được thí điểm. Đặc biệt với các quận, huyện có đất quy hoạch nhưng treo lâu năm chưa thực hiện, chưa có quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để khai thác tạm nguồn lực đất đai trong khi chờ thực hiện quy hoạch. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, huyện Bình Chánh có gần 500 trường hợp có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các xã Bình Lợi, Quy Đức, Tân Nhựt, Phạm Văn Hai... 
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều, trong khi nhiều tổ chức, cá nhân đang sản xuất gặp khó khăn vì điều kiện hỗ trợ cho việc sản xuất như nhà màng, kho chứa vật tư nông nghiệp, nhà sơ chế nông sản bị hạn chế. Tuy nhiên, do tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn khá phức tạp, huyện Bình Chánh kiến nghị cho phép thí điểm xây công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp tại 3 xã Bình Lợi, Quy Đức và Tân Nhựt.
Huyện Hóc Môn cũng kiến nghị được áp dụng Quyết định 3680. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết trên địa bàn vẫn còn quỹ đất nông nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân đang tham gia sản xuất. “Theo rà soát của chúng tôi hiện có 25 trường hợp có nhu cầu xây dựng. Đa phần hộ dân này có diện tích đất lớn, lại nằm trong khu vực chưa có quy hoạch 1/2.000 (đang áp dụng quy hoạch nông thôn mới tỷ lệ 1/5.000)” - ông Tuyên chia sẻ. Một số quận khác như Bình Thạnh, 12, TP Thủ Đức cũng kiến nghị được áp dụng thí điểm. Như Bình Thạnh kiến nghị cho người dân tại dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp có thời hạn trong khi chờ thực hiện dự án.
Từ kiến nghị của các địa phương, Sở Xây dựng đề xuất TP tiếp tục cho thí điểm tại 3 huyện Cần Giờ, Củ Chi và Nhà Bè; cùng với đó mở rộng thí điểm tại 3 xã nông thôn mới là Bình Lợi, Quy Đức, Tân Nhựt của huyện Bình Chánh. Tại huyện Hóc Môn, Sở Xây dựng đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu thực tế để xác định những khu vực, xã còn quỹ đất nông nghiệp lớn. Đối với kiến nghị của các địa phương cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tạm trong các khu quy hoạch, Sở Xây dựng vẫn đề nghị các địa phương này quản lý theo quy định tại Luật Đất đai, chưa áp dụng chương trình thí điểm. 
 2 nhóm công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp
Nhóm 1: Hạng mục lắp dựng bằng các cấu kiện lắp ghép (dễ tháo dỡ) để phủ màng, lưới, tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi, trong phạm vi ranh đất có quyền sử dụng hợp pháp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Các công trình như chòi canh, nhà giữ vườn không nhằm mục đích để ở, được lắp dựng bằng vật liệu thân thiện với môi trường: cây gỗ, thanh tre, nứa, lá… với diện tích không quá 15m2. Chủ đầu tư phải thông báo đến UBND xã khi thi công.
Nhóm 2: Các công trình phải được UBND các huyện thỏa thuận quy mô phù hợp với phương án sản xuất nông nghiệp. Quy mô phải là cấp IV (1 tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000m2, chiều cao dưới 6m). Chủ đầu tư đề xuất vị trí, diện tích thích hợp trong sơ đồ tổng mặt bằng khu đất kèm phương án sản xuất nông nghiệp (mật độ xây dựng không quá 5%).
(Quyết định 3680 của UBND TPHCM)

Các tin khác