Công viên 23 Tháng 9 (nằm giữa 2 tuyến đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai, quận 1, TPHCM) có diện tích 17,3ha, là “khu đất vàng” và cũng là một trong những “lá phổi xanh” hiếm hoi tại trung tâm TPHCM. Quy hoạch và đầu tư theo hướng nào để vừa khai thác hiệu quả vị trí đắc địa, vừa ít cắt xén diện tích cây xanh tại đây?
Những dự án không thành
Năm 1995, UBND TPHCM phê duyệt dự án xây dựng khu liên hợp Trung tâm Văn hóa-Thương mại Sài Gòn của Công ty liên doanh VN Jinwen (Vijico) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD (phía Việt Nam góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất). Liên hợp này gồm công viên, khu vui chơi (nhạc nước), khu thương mại, cao ốc văn phòng và cụm nhà hàng khách sạn.
Dự án đã được khởi công và xây dựng một số hạng mục như văn phòng làm việc, khu nhạc nước nhưng sau đó chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn nên công trình ngưng thi công hoàn toàn vào tháng 7-2000. Nhưng đến tháng 4-2001, Cơ quan Tư pháp Đài Loan phát lệnh truy nã ông Trương Vạn Lợi, Chủ tịch HĐQT Vijico, và con trai là Trương Chí Bình, Phó Tổng giám đốc thứ hai, về 3 tội danh: lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản và lừa đảo. Tại Đài Loan, Công ty Jinwen của nhà họ Trương gặp rắc rối lớn về tài chính, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Đến tháng 8-2001, Tập đoàn Jinwen chính thức cho biết không còn khả năng đầu tư Trung tâm Văn hóa-Thương mại Sài Gòn và đề nghị chuyển bán tài sản.
Sau đó, một chủ đầu tư xin phép đầu tư xây dựng cao ốc 54 tầng tại khu vực 1,2ha (để làm khu trung tâm thương mại) trong khuôn viên công viên 23 Tháng 9 theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng và đã được UBND TPHCM xem xét. Tuy nhiên sau đó dự án này bị dư luận phản đối mạnh mẽ, một số đại biểu HĐND đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.
Các ý kiến cho rằng nếu xây dựng cao ốc tại công viên 23 Tháng 9 sẽ gây phức tạp cảnh quan, xóa sổ công viên làm mất nơi vui chơi giải trí của người dân và xâm hại diện tích cây xanh ít ỏi tại trung tâm TP. Đặc biệt khi nơi đây trở thành khu thương mại và tụ điểm vui chơi sẽ gây ùn tắc giao thông. Từ đó dự án này bị gác lại. Và cũng từ đó không có dự án nào liên quan đến công viên 23 Tháng 9. Hiện nay một số hạng mục của chủ đầu tư cũ xây dựng dở dang vẫn còn đó.
Xây dựng không gian ngầm
Mới đây, một lần nữa UBND TPHCM có ý kiến về việc quy hoạch và đầu tư tại công viên 23 Tháng 9. Theo đó, UBND TP đồng ý chủ trương tổ chức nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm tại công viên 23 Tháng 9. UBND TP lưu ý: Khi triển khai dự án tại đây, cần cân đối diện tích sàn dành cho chức năng thương mại tại khu vực này với các dự án khác trong khu vực, hạn chế tập trung dân cư quá lớn.
Vài gợi ý về định hướng quy hoạch cũng được đưa ra như quy hoạch chức năng thương mại theo dạng các cửa hàng dọc theo trục đi bộ để tạo cảnh quan. Việc tổ chức kêu gọi đầu tư chỉ thực hiện sau khi có đầy đủ thông tin quy hoạch không gian ngầm ở khu vực trung tâm và quy hoạch này phải được UBND TP phê duyệt.
Các cơ quan chức năng phải xây dựng tiêu chí để kêu gọi đầu tư, trong đó nhấn mạnh các điều kiện cần đảm bảo: phải xây dựng một bến xe buýt để kết nối với nhà ga metro trung tâm (lối ra vào cho xe buýt quy hoạch về phía sau đường Nguyễn Thị Nghĩa hướng chợ Thái Bình); quy hoạch các hạng mục công trình tượng đài Nam bộ kháng chiến và khu nhạc nước theo yêu cầu của TP.
UBND TPHCM vừa đồng ý chủ trương quy hoạch không gian ngầm tại công viên 23-9. Ảnh: L.ANH |
PGS.TS Ngyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, cho rằng sự khởi động lại dự án tại công viên 23 Tháng 9 là cần thiết để tránh lãng phí một khu đất vàng bỏ không từ nhiều năm nay. Tuy nhiên khi xây dựng quy hoạch không gian ngầm tại khu vực này, phải đảm bảo hiện trạng công viên bên trên, giữ được “không gian mở” cho người dân đến đây vui chơi.
Xung quanh khu vực này cũng đang chuẩn bị xây dựng những dự án nhà cao tầng khu tứ giác Bến Thành, chắc chắn khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn người đến đây mua sắm, kinh doanh, do đó các nhà quy hoạch cần tính đến bài toán giao thông cho khu vực này, đặc biệt là sự kết nối với các phương tiện giao thông công cộng để tránh quá tải, ùn tắc.
Thực tế đầu tư công trình ngầm rất phức tạp. Đặc biệt là khi ở nước ta chưa có quy chuẩn rõ ràng và còn thiếu kinh nghiệm trong việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm. Do đó việc xây dựng các tiêu chí theo hướng gợi mở như UBND TP yêu cầu là hết sức cần thiết.
Chính sách kêu gọi đầu tư cũng như quy hoạch được duyệt từ các cơ quan chức năng cần thống nhất để tránh tình trạng như dự án công trình ngầm Lam Sơn (sau Nhà hát TP) doanh nghiệp tốn rất nhiều công sức để triển khai, nghiên cứu theo phê duyệt của UBND TP nhưng sau đó UBND TP lại thay đổi quy hoạch, khiến dự án phải dừng lại và TP phải tìm một địa điểm khác để bồi thường cho doanh nghiệp này.