Khẩn trương gỡ khó doanh nghiệp vận tải ô-tô

(ĐTTCO)-Vận tải ô-tô là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Sau một thời gian dài, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường bộ hết sức khó khăn. Thời điểm hiện nay, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trở lại, mở ra cơ hội để ngành vận tải đường bộ hồi phục.
Lượng khách đi xe sau dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi trở lại.
Lượng khách đi xe sau dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine leo thang, khiến giá xăng dầu liên tục tăng cao; tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình chưa được kiểm soát đã khiến cho thị trường vận tải suy giảm, các doanh nghiệp chưa kịp vực dậy đã vấp phải những khó khăn mới.

Ưu đãi thành… không ưu đãi

Tại Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022, Chính phủ đã cho phép gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tất cả các khoản được gia hạn, nộp trước ngày 31/12/2022. “Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường suy giảm mạnh, các doanh nghiệp vận tải không có khả năng nộp hết được số thuế nợ dồn về cuối năm, dẫn đến tình trạng hiện nay hàng loạt doanh nghiệp bị ngành thuế phong tỏa tài khoản ngân hàng, phong tỏa hóa đơn, doanh nghiệp lâm vào tình trạng vô cùng bi đát", ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam than thở.

Còn tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời. Theo đó, cho phép các ngân hàng thương mại giãn các khoản nợ, ân hạn nợ gốc, không chuyển nhóm nợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời hạn giãn các khoản nợ theo Thông tư này tối đa đến thời điểm 31/12/2021, nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không phục hồi kịp, doanh thu không đủ để thanh toán cho các khoản nợ đến hạn. Hệ lụy là hàng loạt các doanh nghiệp bị chuyển sang nợ quá hạn nhóm 5 kể từ sau ngày 31/12/2021 và cùng với đó, có nợ quá hạn nên doanh nghiệp không thể vay được vốn mới để phục hồi hoạt động kinh doanh.

Trước tình cảnh “ưu đãi thành không ưu đãi” trên, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam đã tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội cơ sở và doanh nghiệp vận tải, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo đó, liên quan vấn đề nộp thuế, Hiệp hội Vận tải ô-tô kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục cho doanh nghiệp được giãn nộp thuế trong năm 2023, trong đó cho phép giãn thời hạn nộp đến ngày 30/9/2023 đối với các khoản thuế đến hạn nộp trong tháng 12/2023.

“Các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị giảm thuế trước bạ xuống 2% cho những đơn vị đầu tư mới phương tiện để mở rộng kinh doanh; đồng thời, tiếp tục giữ nguyên mức thuế giá trị gia tăng 8% như Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP để kích cầu tiêu dùng đến hết năm 2023”, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cho biết.

Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách cho phép tiếp tục cơ cấu nợ, giãn nợ, không nhảy nhóm đối với những khoản vay bị ảnh hưởng dịch Covid-19 mà đến nay khách hàng vẫn chưa trả được nợ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho doanh nghiệp được vay vốn để tái đầu tư, phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có phương án kinh doanh khả thi, kể cả trường hợp doanh nghiệp đang có những khoản nợ bị quá hạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hỗ trợ bảo hiểm, an sinh xã hội

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, cách đây mấy năm, trên địa bàn Hà Nội có hơn 17 nghìn xe taxi của hơn 100 doanh nghiệp hoạt động. Sau khi dịch Covid-19 “quét” qua, chỉ còn hơn 60 doanh nghiệp taxi hoạt động lay lắt, các doanh nghiệp đã phải bán tống bán tháo khoảng một nửa số xe để cắt lỗ.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Công Hùng, trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, cùng đó thời hạn doanh nghiệp cơ cấu nợ ngân hàng cũng hết, giai đoạn chậm nộp thuế cũng hết,… Dòng tiền là huyết mạch của doanh nghiệp, nếu không được cơ cấu nợ thì sẽ tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn khó hồi phục trở lại được.

Dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, việc giảm thuế hỗ trợ cho các doanh nghiệp là chính sách rất tốt vì doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục. Hiện tại, lượng khách vẫn chưa trở lại bình thường so với thời điểm trước dịch, cùng đó nguồn nhân lực (lái, phụ xe) đang rất khan hiếm.

Do thị trường vận tải thời kỳ dịch Covid-19 bị suy giảm rất mạnh nên doanh nghiệp không có nguồn thu hoặc nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, khiến các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội rất nhiều. Theo quy định hiện nay, nếu doanh nghiệp nào còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, người lao động của doanh nghiệp đó không được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

“Hệ quả tiêu cực của chính sách này là nhiều người lao động của các doanh nghiệp vận tải bị ốm đau bệnh tật phải vào viện điều trị, nhưng lại không được hưởng ưu đãi của chế độ bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn tới đời sống người lao động và chính sách an sinh xã hội.

Hiệp hội Vận tải ô-tô đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho phép gia hạn các khoản bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp còn nợ đọng đến ngày 31/12/2022 được gia hạn đến ngày 30/6/2023 mới phải nộp (doanh nghiệp không phải chịu lãi chậm trả).

“Trong trường hợp doanh nghiệp đang còn nợ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để bảo đảm đời sống cho người lao động, chúng tôi đề xuất doanh nghiệp chỉ cần nộp khoản nợ bảo hiểm y tế là người lao động của doanh nghiệp đó được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế khi bị ốm đau”, ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam xóa bỏ khoản lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp vận tải trong thời gian từ tháng 3/2020 đến 31/12/2022.

Các tin khác