Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. |
PHÓNG VIÊN: - Các số liệu báo cáo về tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm cho thấy xu hướng xấu từ những tháng cuối năm 2022 vẫn đang tiếp tục kéo dài cho đến nay. Tình hình này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng TRẦN QUỐC PHƯƠNG: - Khó khăn này có lẽ chúng ta đều nhận ra do những ảnh hưởng bởi lạm phát và tình hình khủng hoảng kinh tế, chính trị biến động phức tạp, thảm họa thiên nhiên trên thế giới, đã tạo ra những tác động không nhỏ cho nền kinh tế nước ta nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Kinh tế trong nước gặp khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn của các DN.
Một số nhóm ngành nghề có sự sụt giảm cả về số lượng DN và số vốn đăng ký mới. Trong đó, đáng chú ý là các ngành như kinh doanh bất động sản (giảm 62,4% về số DN gia nhập thị trường và giảm 68,9% về số vốn đăng ký); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 21,1% về số DN gia nhập thị trường và giảm 69,2% về số vốn đăng ký)...
Đây là những lĩnh vực thường có các DN với quy mô vốn đăng ký lớn, có ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24-2 chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế.
Kế đến là hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… bị ảnh hưởng lớn. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm… đều giảm hoặc tăng thấp, cá biệt ngành sản xuất thiết bị điện giảm trên 50%. Đặc biệt là rủi ro trên thị trường trái phiếu DN đã và đang tác động trực tiếp, rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm trong nước…
Khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Tình hình này có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý I, tạo sức ép cho các quý tiếp theo, cũng như sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao.
- Với áp lực điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng, vậy theo Thứ trưởng trọng tâm chính sách cho những tháng tới là gì?
- Sản xuất, kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, áp lực cạnh tranh gia tăng, nên cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc cải thiện nguồn cung trong nước, tác động đến tăng trưởng kinh tế, điều này có thể làm tăng áp lực lạm phát khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục xu hướng tăng nhanh.
Do vậy, xác định trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định. Bộ Tài chính cần khẩn trương bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ báo cáo cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất cho DN, người dân; đẩy nhanh hoàn thuế GTGT; tạo thuận lợi tối đa cho DN trong các thủ tục xuất, nhập khẩu…
- Thưa Thứ trưởng, với riêng thị trường và DN bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN năm 2023 lớn. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?
- Đây là vấn đề liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, cần giải pháp xử lý kịp thời, không thể để gây tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, tránh lan truyền rủi ro đến hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính do các thị trường này gắn kết chặt chẽ với nhau.
Tình hình đang yêu cầu phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, nhưng cũng cần thận trọng trước các diễn biến có thể xảy ra, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế.
- Vậy Thứ trưởng nhận định thế nào về tình hình kinh tế trong năm 2023?
- Nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được dự báo thấp hơn so với năm 2022. Tháng 12-2022, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7% và giảm xuống 6,2% trong năm 2023, tương tự WB dự báo tăng trưởng 2022 đạt 7,2% và giảm xuống còn 6,7% trong 2023, ADB dự báo tăng trưởng 2022 đạt 7,5% và giảm xuống còn 6,3% trong 2023, do các đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy yếu.
Nói chung, nền kinh tế trong giai đoạn tới tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố phức tạp, khó lường như: sự phục hồi chậm, khó khăn và suy giảm nhu cầu của các đối tác thương mại lớn; chiến sự Nga - Ukraine tiếp diễn; điều kiện tài chính khó khăn hơn do xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới và rủi ro thắt chặt tiền tệ bổ sung; Mỹ và các nước phương Tây đẩy mạnh thực hiện chính sách trừng phạt và áp trần giá dầu, trần giá khí đốt với Nga, và việc Nga ngừng bán dầu, khí đốt cho các quốc gia, có thể đẩy giá dầu và khí đốt cũng như các nguyên vật liệu trong năm 2023 tăng cao; các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn có thể làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế toàn cầu…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng trong những tháng tới sẽ khá lên khi một số điểm sáng của kinh tế thế giới trong năm 2023, như áp lực lạm phát toàn cầu, tỷ giá, mặt bằng lãi suất đã tăng chậm lại, và Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero-Covid... Những điểm sáng này có thể giúp giảm bớt áp lực đối với điều hành vĩ mô của nền kinh tế trong nước.
Cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, với hướng nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và từng bộ ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng giao.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này.
Tình hình hiện nay đang yêu cầu phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, nhưng cũng cần thận trọng trước các diễn biến có thể xảy ra, tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế.