Chính quyền TP từ lãnh đạo đến các sở, ngành đang rất khẩn trương nghiên cứu các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục theo quy định để trình HĐND TP xem xét, quyết định, chậm nhất tại kỳ họp giữa năm 2018.
Trước mắt, đến ngày 15-1 tất cả nhóm đề án phải chuẩn bị xong đề cương tính toán cụ thể và công bố một số nỗ lực như về tổ liên ngành đầu tư, quy trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) theo hướng công khai, minh bạch, hoàn thiện môi trường đầu tư của TP.
Thực tế, để được Quốc hội thông qua NQ54, TPHCM đã có quá trình chuẩn bị 12 năm, từ năm 2005. Và ngay sau khi NQ54 được bấm nút thông qua ngày 24-11-2017 tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, TPHCM đã khẩn trương triển khai Nghị quyết mang tính lịch sử này.
Cụ thể, ngày 6-12-2017, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã ra Nghị quyết về triển khai quyết liệt, đồng bộ NQ54 của Quốc hội. Và chỉ sau đó 1 ngày, ngày 7-12-2017 kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX cũng đã ra nghị quyết triển khai thực hiện NQ54.
Theo nghị quyết này, HĐND TP giao UBND TP tăng tốc nghiên cứu các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục theo quy định để trình HĐND TP xem xét, quyết định, chậm nhất tại kỳ họp giữa năm 2018. Đó là các đề án sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư; thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí; tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.
HĐND TP cũng giao UBND TP khẩn trương nghiên cứu các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục theo quy định để trình HĐND TP có ý kiến, chậm nhất tại kỳ họp giữa năm 2018, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các đề án thí điểm tăng mức hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; huy động vốn đầu tư xã hội (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại). Đồng thời, đề xuất phương án triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư…
Cũng với tinh thần khẩn trương, ngày 11-12-2017, sau khi HĐND TP thông qua NQ54, UBND TP đã bắt tay vào triển khai thực hiện ngay. Theo đó, UBND TP đã xác định có 21 đề án và nội dung thực hiện, trong đó có 13 đề án và nội dung thực hiện thường xuyên theo nhiệm vụ phân công, 8 đề án nghiên cứu, đề xuất. TP cũng đã thành lập 2 tổ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền, dự án quản lý đất đai; lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Các tổ công tác đã khởi động, họp hàng tuần có danh sách phân công việc cho từng người cụ thể. Riêng đề án phân cấp, ủy quyền đã được TP chủ động triển khai thực hiện, lấy ý kiến sở ngành, quận huyện và đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh. Người đứng đầu chính quyền TP khẳng định thời hạn đề ra để thực hiện là thời hạn cuối cùng, không thể kéo dài được nữa. Thậm chí khi cần với những việc thuộc thẩm quyền của HĐND TP, Chủ tịch UBND TP sẽ có văn bản đề nghị HĐND họp đột xuất để giải quyết.
Đặc biệt, tại buổi gặp gỡ một số cơ quan báo chí ngày 9-1 về triển khai NQ54, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, trong quá trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết thí điểm, báo chí đã đóng vai trò rất tích cực. Các cơ quan báo chí đã giới thiệu việc này đến người dân. Qua đó làm rõ vấn đề là cơ chế này tạo điều kiện để TP phát triển, đóng góp nhiều hơn cho cả nước mà không làm thay đổi tất cả điều kiện tài chính của đất nước đã được Quốc hội thông qua trong giai đoạn 5 năm.
Như vậy, để thực hiện NQ54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù bảo đảm thành công từ năm đầu tiên, cả hệ thống chính trị - xã hội của TP đã khẩn trương vào cuộc, với ý chí, nghị lực để vươn lên, tầm nhìn và giải pháp đủ mạnh để tạo đột phá. Bởi lẽ, TPHCM thí điểm thành công cơ chế đặc thù, không chỉ tạo động lực cho sự phát triển của TP mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước về nguồn lực, kinh nghiệm thực tiễn, cơ chế chính sách.
Và đây là tiền đề để TPHCM tiếp tục đề xuất phân quyền, phân cấp mạnh hơn, có cơ chế thông thoáng hơn, đáp ứng cao hơn cho sự phát triển của TP, như quyết tâm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: "Chúng tôi rất mong 2018 thực sự là năm khởi đầu 3 năm đột phá đổi mới cơ chế chính sách trên nền tảng Kết luận 21 của Bộ Chính trị và NQ54 nhằm cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế mang lại niềm vui cho mỗi gia đình, hạnh phúc nhân dân và góp phần cùng cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế".